Theo Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, khu kinh tế (KKT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 16 KCN, 5 KKT. Thời gian qua, các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng… Đặc biệt, năm 2023, việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT được xác định là nội dung quan trọng để thực hiện thành công chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển và mong muốn Chính phủ quan tâm, nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ về nhu cầu sử dụng điện trong KCN, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN...
Đối với nội dung quản lý vùng đệm Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thực hiện một số quy định về đầu tư phát triển tại vùng đệm di sản. Có quy chế, hướng dẫn, biện pháp điều chỉnh phù hợp để tỉnh đẩy mạnh đầu tư trên tinh thần bám sát Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đúng gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh vào tháng 4/2022, xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.
Sau khi trực tiếp đi khảo sát hoạt động đầu tư tại các KCN, quá trình phát triển của một số vị trí vùng đệm Vịnh Hạ Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đánh giá cao sự đột phá, đổi mới của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai các kế hoạch phát triển.
Trên cơ sở những đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành nắm bắt, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có những chủ trương điều chỉnh phù hợp. Quan điểm là ưu tiên tối đa cho sự phát triển của địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời...