Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phim truyện "Mưa đỏ" tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Thanh Thuận - 17:57, 03/08/2024

Cuộc chiến đấu và hi sinh anh dũng của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tái hiện chân thực, sinh động trong phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”. Đây là dự án phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) trong 10 năm trở lại đây. "Mưa đỏ" dự kiến ra mắt năm 2025.

Hình ảnh trong buổi casting chọn diễn viên cho phim “Mưa đỏ”.
Hình ảnh trong buổi casting chọn diễn viên cho phim “Mưa đỏ”

Tái hiện sinh động hình ảnh người lính

Vừa qua, Điện ảnh QĐND đã bắt tay vào sản xuất phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”. Có mặt tại buổi casting diễn viên cho bộ phim, chúng tôi thấy được không khí sôi nổi, khí thế làm việc hăng hái của ê kíp đang nỗ lực, dành trọn tâm huyết cho dự án phim này. Hơn 300 diễn viên đăng ký casting phim là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng.

Kịch bản phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, do chính ông chắp bút. Sau thành công của những tiểu thuyết "Nắng đồng bằng", "Ăn mày dĩ vãng", "Phố", "Ba lần và một lần", "Cuộc đời dài lắm"... “Mưa đỏ” là tiểu thuyết đậm chất sử thi mới nhất của ông, kết quả sau nhiều năm trăn trở, nghiêm túc, sáng tạo trong lao động nghệ thuật của nhà văn.

Tác giả Chu Lai đã mượn phông nền của sự kiện lịch sử điển hình trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị) làm nền tảng hồi ức lại những số phận người lính trước tháng ngày bom đạn giày xéo, quần thảo tại Thành cổ để dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Các diễn viên trẻ thể hiện sự khốc liệt của cuộc chiến.
Các diễn viên trẻ thể hiện sự khốc liệt của cuộc chiến

Tuy nhiên, tác giả Chu Lai không chỉ phản ánh tinh thần, sức mạnh chiến đấu, mà còn thẳng thắn chỉ ra những tổn thất, hi sinh rất lớn ...Trong "Mưa đỏ", những âm thanh, hình ảnh về sự chia cắt, tan vỡ, cái chết,… được soi chiếu cận cảnh, rõ nét cho thấy tính chất ác liệt của cuộc chiến.

Xen lẫn những trang miêu tả cuộc chiến ác liệt là sự bình yên, lãng mạn đầy chất thơ của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn và tình thân, tình đồng đội ấm áp. Tác phẩm của nhà văn Chu Lai đã bước lên sân khấu kịch nói, sân khấu chèo, trước khi được chuyển thành phim truyện điện ảnh.

Đạo diễn phim là Nghệ sĩ ưu tú  Đặng Thái Huyền - người từng khẳng định tên tuổi qua nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến của Điện ảnh QĐND. Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết, Điện ảnh QĐND với dự án phim “Mưa đỏ” có 2 buổi casting ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau khi có các gương mặt triển vọng được lựa chọn, ê kíp làm phim sẽ có buổi casting vòng 2. 

“Chúng tôi không chỉ tìm một ngôi sao cho màn ảnh mà đang tìm kiếm gương mặt mới, trẻ, tâm huyết, quan trọng là khi họ diễn, chúng tôi thấy được hồn cốt của nhân vật từ tiểu thuyết “Mưa đỏ” đang được tái hiện sinh động trên màn ảnh. Những gương mặt đó, khi lên phim, sẽ phải khiến cho khán giả như thấy được hình ảnh chiến sĩ của ta chiến đấu và hi sinh thế nào trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Chúng tôi muốn thấy được sự sống động trong từng vai diễn trên màn ảnh”, đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự.

Có mặt tại buổi casting phim “Mưa đỏ”, bạn trẻ Phạm Thanh Long - diễn viên sân khấu Lệ Ngọc cảm thấy tự hào khi được tham gia casting dự án phim chiến tranh này. Để chuẩn bị tốt cho buổi tuyển chọn diễn viên này, Long đã dành nhiều thời gian để xem các bộ phim chiến tranh và trau dồi kỹ năng diễn xuất.

 “Em muốn được hóa thân vào nhân vật người lính ngày trước để thấy được những khó khăn, gian khổ, hiểu được những nỗi đau, mất mát của cuộc chiến để có được nền hòa bình hôm nay”, Phạm Thanh Long chia sẻ.

Đầu tư phim trường rộng gần 50 ha

Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh QĐND, đây là kịch bản hay và xúc động song đòi hỏi kinh phí lớn mới đáp ứng được quy mô và nội dung. Sau gần 10 năm ấp ủ, Điện ảnh QĐND đã tiến hành chuyển thể từ tiểu thuyết văn học sang kịch bản điện ảnh. Tháng 3 vừa qua, dự án sản xuất phim truyện “Mưa đỏ” đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thực hiện.

Đạo diễn – NSƯT Đặng Thái Huyền trao đổi cùng đồng nghiệp về sa bàn bối cảnh Thành cổ Quảng Trị . (Ảnh: Điện ảnh QĐND)
Đạo diễn – NSƯT Đặng Thái Huyền trao đổi cùng đồng nghiệp về sa bàn bối cảnh Thành cổ Quảng Trị . (Ảnh: Điện ảnh QĐND)

Bộ phim có thời lượng từ 110 đến 120 phút, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Bên cạnh đó, là cuộc đấu trí của Việt Nam trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh, ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Bộ phim lấp lánh những nét đẹp của tình đồng đội, đồng chí, tình cảm thiêng liêng về gia đình, sự lãng mạn trong tình yêu đôi lứa.

Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung, đây là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được Điện ảnh QĐND đầu tư xây dựng, phục dựng bối cảnh trên phim trường với diện tích gần 50ha. Việc tái hiện bối cảnh lịch sử và không khí hào hùng của thời đại trong khuôn khổ một bộ phim hơn 100 phút đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao. Hình tượng nhân vật, kết cấu kịch bản, phục trang, đạo cụ, cho đến từng chi tiết trong phim đều phải được thiết kế thật tỉ mỉ, sắc nét và chặt chẽ, đúng với lịch sử. Làm phim về lịch sử đã khó, phim lịch sử chiến tranh càng khó hơn. 

“Mưa đỏ” có nhiều cảnh chiến tranh, đòi hỏi đảm bảo hiệp đồng tốt giữa các bộ phận. Quá trình làm phim có sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cảnh quay, với số lượng nhân sự tham gia lên tới hàng nghìn người.

Bối cảnh phim phần lớn được thực hiện tại các địa điểm ở tỉnh Quảng Trị. Một số điểm quay khác được bố trí ở Thừa Thiên - Huế, Hà Nội và Paris (Pháp). Điện ảnh QĐND đã phối hợp với bộ đội công binh tiến hành rà phá bom mìn trên diện tích 50ha phim trường tại tỉnh Quảng Trị, trong đó có những bối cảnh chính là hai bên bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị để an toàn cho đoàn phim.

Dự kiến, “Mưa đỏ” sẽ hoàn thành vào tháng 7/2025. Bộ phim hứa hẹn mang đến cho khán giả những cảm xúc chân thực nhất, tố cáo những tội ác của chiến tranh nhưng đồng thời cũng ngợi ca khát vọng hòa bình, độc lập thống nhất của Nhân dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...