Còn nhiều điểm yếu
Mùa phim Tết 2022 mở màn với Nhà không bán, tiếp theo sau là Chuyện ma gần nhà, Người lắng nghe: Lời thì thầm và mới đây nhất khán giả lại được thưởng thức Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Vậy là trong chưa đầy hai tháng, đã có đến bốn bộ phim nội khai thác mảng đề tài kinh dị. Theo đó, doanh thu của Nhà không bán cùng Chuyện ma gần nhà cho thấy nhu cầu ra rạp thưởng thức các tác phẩm rùng rợn của khán giả là không hề nhỏ. Tuy nhiên, phản hồi về chất lượng lại là câu chuyện… không mấy vui vẻ, khi những tác phẩm kinh dị “made in Vietnam” đều bị chê vì những lý do khá tương đồng.
Chuyện ma gần nhà có lẽ là một trong những bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất, bên cạnh ưu điểm được đầu tư tổng thể nghiêm chỉnh, thì phim vẫn vướng phải khá nhiều điểm trừ. Phải kể đến việc nhịp phim quá dàn trải, lan man, tuyến truyện rời rạc và dường như không liên quan tới nhau, khiến người xem “tụt mood”. Bên cạnh đó, Chuyện ma gần nhà cũng chưa thể làm thỏa mãn các “mọt phim” kinh dị khi tiếp tục đi theo lối mòn dọa ma kinh điển, nhất là các cảnh hù dọa được lặp đi lặp lại một cách… kém duyên.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới Nhà không bán, phim kinh dị được trình chiếu mở màn cho năm 2022. Dù doanh thu thấp hơn, nhưng nhiều ý kiến nhận xét rằng Nhà không bán ăn điểm hơn Chuyện ma gần nhà bởi cốt truyện gọn gàng, súc tích và có thông điệp. Nhưng có lẽ bộ phim không được đầu tư mạnh về khâu quảng bá và đột ngột ra rạp nên không mang được về doanh thu “khủng”. Tuy vậy, Nhà không bán cũng chỉ dừng ở mức an toàn và không hề có sự đột phá.
Người lắng nghe: Lời thì thầm càng khiến dòng phim này rơi vào thế khó khi doanh thu thấp lè tè sau một tuần ra rạp. Phim vẫn có điểm cộng là truyền tải được thông điệp nhân văn rằng ai cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu, song điểm trừ là chưa giải quyết trọn vẹn những vấn đề được đặt ra. Một số tình tiết còn gượng ép, thiếu mạch lạc, chưa đủ thuyết phục người xem trong khi yếu tố kinh dị nhạt nhòa và yếu tố tâm lý học cũng chưa được khai thác sâu. Chỉ cách đây vài ngày, khán giả Việt hồi hộp ngóng chờ một bộ phim kinh dị khác là Bóng đè của Lê Văn Kiệt, nhưng có vẻ như ngó qua trailer thì thấy các thủ pháp làm phim có thể chỉ là sự lặp lại của Nhà không bán và Chuyện ma gần nhà…
Vẫn “một màu”
Bóng đè đánh dấu sự trở lại màn ảnh Việt của đạo diễn Lê Văn Kiệt sau Hai Phượng, đây là dự án hiếm hoi khai thác hiện tượng có thật 100% ngoài đời theo những góc nhìn từ tâm lý đến tâm linh. Trong clip giới thiệu, Bóng đè đánh vào sự tò mò của công chúng, màu sắc, hình ảnh, bối cảnh có yếu tố kinh dị nhưng không theo kiểu máu me, có thể xem là điểm nhấn của tác phẩm này. Đáng chú ý, dù chưa ra rạp tại Việt Nam nhưng Bóng đè đã được các nhà phát hành quốc tế mua bản quyền, sắp ra mắt tại Đài Loan, Thái Lan, Campuchia, Lào, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Australia, New Zealand. Chính vì thế, ngay từ những xuất chiếu đầu tiên, khán giả đã hồ hởi ra rạp để được thưởng thức. Song, chỉ sau vài ngày bộ phim dần có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Điểm cộng sáng giá nhất của Bóng đè đầu tiên phải nhắc đến diễn xuất của bộ đôi Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi. Nhờ cách thể hiện cảm xúc rõ ràng, vui ra vui, buồn ra buồn, sợ ra sợ của Mỹ và Vi, phần đầu của Bóng đè trở nên lôi cuốn, khiến khán giả phải tập trung dù có nhịp điệu khá chậm. Tuy nhiên, bộ phim chỉ khiến khán giả tò mò và làm tốt ở “hiệp 1”, còn phần sau là một mớ hỗn độn, rối rắm… Bộ phim bị gò bó trong kịch bản và có phần lỗi thời so với dòng chảy phim kinh dị - tâm lý hiện nay. Cũng có thể vì muốn mang nhiều tình tiết vào phim, thay vì khai thác triệt để ý tưởng về “bóng đè”, như một chút tâm linh, một chút thuyết âm mưu, một chút ý tưởng về rối loạn tâm lý… mà đạo diễn “quên” đi việc giải quyết thấu đáo. Câu chuyện Bóng đè trở nên rời rạc, còn cách giải quyết nút thắt lại quá hiền lành và cầu toàn, khiến bộ phim cũng chỉ nằm ở mức… thường thường bậc trung.
Có thể thấy, phim kinh dị ở nước ta vẫn bị bó hẹp và trùng lặp về nội dung, cách kể chuyện. Sự nở rộ về số lượng không đi đôi cùng chất lượng. Rất hiếm tác phẩm kết hợp được hình ảnh cùng nội dung để tạo nên một câu chuyện logic và thật sự thuyết phục được khán giả. Tuy nhiên, tinh thần không ngại thử thách, dám khám phá những hướng đi mới của các nhà làm phim kinh dị Việt vẫn là điều đáng khích lệ. Cùng với đó, chính những phản hồi trái chiều của công chúng và giới nghề đã cho thấy sự quan tâm của họ dành cho dòng phim kinh dị nội địa chưa bao giờ vơi cạn. Sự cộng hưởng từ nhu cầu thưởng thức và tinh thần cầu tiến của các nhà phim sẽ là điểm sáng giúp cho phim kinh dị “made in Vietnam” dần được hoàn thiện và hy vọng sẽ ngày càng đột phá.