"Trường hợp này đã có chuyến đi trước đó đến các quốc gia có các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận," Beverly Ho, quyền Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines cho biết.
10 người tiếp xúc gần đã được ghi nhận, trong đó 3 người trong cùng một hộ gia đình. Tất cả đã được khuyến cáo cách ly và đang được theo dõi.
Quyền Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines cho biết, Philippines đang làm việc với Hoa Kỳ để đảm bảo vắc-xin bệnh đậu mùa khỉ.
* Sự gia tăng các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo kể từ tháng 5/2022 bên ngoài các quốc gia Tây và Trung Phi, nơi căn bệnh này đã lưu hành từ lâu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới tại 78 quốc gia, với 70% trong số đó ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ. 5 trường hợp tử vong đã được báo cáo trong đợt bùng phát kể từ tháng 5/2022. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi.
Tuy nhiên, con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban từ 1 đến 3 ngày.
WHO cho biết, bệnh đậu mùa khỉ không lây qua không khí qua các sol khí nhỏ như nCoV. Trong một vài tình huống, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp nhưng cách lây lan này đòi hỏi phải có sự tương tác trực diện, lâu dài, giọt bắn đủ lớn. Phần lớn trường hợp lây qua đường quan hệ tình dục đồng giới.
Theo khuyến cáo của WHO, người mắc hoặc nghi mắc đậu mùa khỉ cần tự cách ly tại nhà trong 21 ngày - thời gian dài nhất có thể lây bệnh.