Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội: Cần có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững kinh tế - xã hội

Hoàng Quý - 16:17, 04/11/2024

Chiều 04/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó các đại biểu Quốc hội rất chú trọng thảo luận về tình hình biến đổi khí hậu.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang)
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang)

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025. Trong đó, nhiều đại biểu dành sự quan tâm tới vấn đề hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế sau thiên tai.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho biết, Tuyên Quang là 1 trong 26 tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 3, bị thiệt hại nặng nề về nhà ở và hạ tầng sản xuất nông lâm nghiệp, ước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng. Trước khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và Nhân dân cả nước.

Những thiệt hại từ cơn bão số 3 đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho Nhân dân, bước đầu ổn định cuộc sống. Cùng với đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng mất mùa, thiếu đói, thiếu sinh kế là hiện hữu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn lực gói hỗ trợ, lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để Nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống; cũng như sớm triển khai các giải pháp dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương miền núi có người dân bị mất nhà ở hoặc đang sinh sống quanh khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất không thể quay lại nơi ở cũ, cần phải di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cũng cho biết, tỉnh Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua đã để lại khung cảnh hoang tàn, đổ nát; nhà máy, công trường, xí nghiệp đình trệ; khu nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền đều chìm xuống đáy biển; rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng sản xuất đều gãy đổ. Nhiều ngôi nhà bị ngập, sập, chìm trong dòng nước lũ…

Theo Đại biểu, sau khi cơn bão đi qua, còn rất nhiều vướng mắc. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo hơn nữa để khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn của cơn bão số 3 gây ra.

Do vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi…

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất, cơ chế trục vớt tàu, thuyền bị đắm do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. 

Cùng với đó, nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng khu vực neo đậu, tránh trú bão, các công trình ven biển… để đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; có cơ chế đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong điều kiện giông bão, mưa lũ, mất điện, mất sóng. Đồng thời, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.