Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh ở các huyện miền núi Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 07:38, 18/08/2022

Sau thời gian trồng thử nghiệm, hiệu quả bước đầu cho thấy, cây gai xanh mang hiệu quả kinh tế cho các hộ dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa. Cây gai xanh là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu loài cây này đến các huyện miền núi phía Tây, nhằm cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lang Chánh chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu
Lang Chánh chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu

Một trong số các địa phương đang đẩy mạnh phát triển cây gai xanh là huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Năm 2018, huyện phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramiet trồng thử nghiệm 16 ha cây gai xanh tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Quang Hiến. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ, địa phương đã rà soát, chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu.

Để khuyến khích người trồng cây gai xanh, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh và công ty, huyện Lang Chánh còn hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia trồng cây gai xanh tập trung, với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha.

Tham gia trồng thử nghiệm đợt đầu tiên, anh Mai Xuân Thao, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc đã chuyển đổi 1 ha đất ven đồi dốc, trước đây vốn trồng các loại cây, màu nhưng hiệu qủa kinh tế thấp để trồng cây gai xanh.

Anh Thao cho biết, loài cây này dễ sống, không kén đất và khí hậu, hơn nữa, sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ nên yên tâm sản xuất. Theo tính toán, mỗi năm thu hoạch 3-4 lứa, anh Thao có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Lang Chánh nhận định, việc chuyển đổi các loại cây trồng trên đất đồi dốc, không chủ động được nguồn nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đến hết tháng 6/2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn huyện đạt 18 ha, trong đó diện tích lưu gốc là 16,5 ha, diện tích trồng mới 1,5 ha và tập trung tại các xã Tân Phúc, Đồng Lương, Giao Thiện, thị trấn Lang Chánh... Nhiều diện tích cây gai xanh trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch lần thứ 2, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha. Huyện đang phấn đấu thực hiện theo chỉ tiêu và kế hoạch năm 2022 tỉnh giao là trồng mới 30 ha cây gai xanh.

Tại huyện Bá Thước, chính quyền địa phương cũng đang tiến hành mở rộng diện tích cây gai xanh.Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loài cây này, các hộ dân của xã Điền Quang đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh... Đến nay, xã Điền Quang đã trồng được gần 20 ha cây gai xanh nguyên liệu, tập trung ở các thôn Bái Tôm, Vuông, Khò, Mưỡn...

Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh đến năm 2025 là 6.457 ha
Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh đến năm 2025 là 6.457 ha

Ông Trương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang, cho biết: Trong 6 tháng năm 2022, toàn xã đã trồng mới hơn 5 ha cây gai xanh nguyên liệu. Hiện địa phương đang tập trung tuyên truyền cho người dân chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng gai xanh nguyên liệu và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như của nhà máy.

Tới nay, huyện Bá Thước trồng được 42,75 ha gai xanh; năng suất bình quân vỏ khô khoảng 1,8 tấn/ha; sản lượng khoảng 69,3 tấn; giá thu mua gai nguyên liệu dao động từ 45-47 triệu đồng/tấn. Các xã tích cực chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, như: Lương Trung, Điền Trung, Kỳ Tân, Điền Quang...

Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Bá Thước phấn đấu trồng 200 ha gai xanh, đến năm 2025 phấn đấu trồng được 500 ha cây gai xanh. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu, đưa cây gai xanh thay thế một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân, mở ra nhiều cơ hội để huyện Bá Thước nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Với Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh đến năm 2025 là 6.457 ha, năng suất bình quân 110 tấn gai tươi/ha/năm, tổng sản lượng 700.000 tấn gai tươi/năm.

Ngoài 2 huyện kể trên, các địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây gai xanh gồm: Cẩm Thủy (nơi đặt nhà máy An Phước), Như Thanh, Triệu Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc… đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu. Dự án được kỳ vọng mang lại hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân xứ Thanh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.