Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển vùng đồng bào DTTS: Bài toán khó mang tên “Việc làm”

PV - 10:44, 02/11/2018

Không có đất sản xuất, lại không muốn di cư rời xa quê quán, không ít lao động DTTS đã tìm đến những cửa khẩu để tìm việc làm. Ở đây, họ đối diện với nhiều hiểm nguy.

Bài 3: Tìm việc ở vùng biên

việc làm Cửa khẩu Móng Cái-nơi tập trung đông lao động người DTTS làm thuê. (Ảnh minh họa)

Hiểm nguy rình rập

Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng người dân sinh sống gần cửa khẩu Bản Vược (xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn còn nhớ như in sự cố xảy ra sáng ngày 11/3, khiến 9 lao động người DTTS làm nghề bốc vác thuê tử vong. Theo thông cáo chính thức của UBND tỉnh Lào Cai, 9 lao động này được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bắc Sông Hồng (có địa chỉ tại Khánh Yên, phường Phố Mới, TP.Lào Cai) thuê để bốc dỡ hàng hóa xuống 3 xuồng sắt, vận chuyển dọc sông Hồng để giao cho đối tác phía Trung Quốc.

Đến sáng 11/3, khi việc bàn giao hoàn tất, 2 thuyền đã quay về đến bờ phía Việt Nam thì chiếc còn lại chở 9 người làm nghề bốc vác không may gặp sự cố khiến tất cả tử nạn. Trong số những người xấu số, trừ trường hợp của Châu A Dế đã ngoài 40 tuổi, số còn lại đều vẫn còn quá trẻ.

Đó là Giàng A Dơ-sinh năm 1995, Thào A Lâu, sinh năm 1990, Giàng A Tếnh-sinh năm 1997, Tráng Văn Long, sinh năm 1993, Vàng Dung Thắng, sinh năm 1982, Lò Văn Nam, sinh năm 1984, Hầu A Hòa, sinh năm 1992. Trẻ nhất là Thào A Giáy-sinh năm 2002. Giáy tử vong ngay trong lần đầu tiên làm “cửu vạn” trên sông.

Cửa khẩu Bản Vược sau tai nạn đó vẫn cứ nhộn nhịp. Trên bờ, các container và xe tải khổ lớn đỗ sát mép sông, nhiều xe mở toang thùng để cánh “cửu vạn” rầm rập chuyển hàng lên, xuống trên các thang gỗ chênh vênh. Dưới mép nước, hàng trăm chiếc xuồng/thuyền sắt màu đỏ sẫm nêm kín.

Cũng đông đúc như các phương tiện vận chuyển hàng hóa là lực lượng lao động làm thuê. Họ chủ yếu còn trẻ, là người DTTS. Có người ở ngay địa phương. Nhưng cũng không ít người vì miếng cơm, manh áo mà từ xa lặn lội tới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau sự cố khiến 9 lao động tử vong, chính quyền có hỗ trợ ban đầu mỗi trường hợp từ 2-5 triệu đồng. Nhưng người chết cũng đã chết, người sống phải mưu sinh. Mỗi đêm, hàng trăm phu, cửu vẫn lầm lũi “sang sông” tại chính cái nơi mà những người thân quen của họ vừa nằm xuống.

việc làm Nhiều lao động làm thuê chấp nhận hiểm nguy để có việc làm. (Trong ảnh: Lối mòn bên cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn)

Nguy cơ gia tăng tệ nạn

Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) được ví như “rốn ngụ cư” của dân tứ xứ. Từ các chủ buôn hoa quả, cánh tài xế đến những người lao động phổ thông, bán hàng, bốc vác thuê…

Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, lượng lao động tự do dồn về Tân Thanh rất nhiều, có thời điểm lên tới hàng nghìn người. Theo báo cáo của Đồn Công an Tân Thanh, Đồn đang quản lý số tạm trú tại khu vực cửa khẩu 1.097 hộ, 3.206 nhân khẩu, phần đông là trong tuổi lao động.

Nhưng đó mới là số lao động “tạm trú ổn định”, có đăng ký nơi ở, sinh sống bằng việc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ cửa khẩu, bán hàng rong. Ngoài ra, một lượng lớn dân tứ xứ lúc rảnh rỗi lên cửa khẩu tranh thủ vác hàng thuê hoặc giao dịch buôn bán.

Vì thế, xung quanh cửa khẩu hình thành nên những khu nhà trọ cho thuê, đầy rẫy những nguy cơ mất an ninh trật tự. Theo số liệu của Đồn Công an Tân Thanh, trong năm 2017, đơn vị phối hợp với Phòng Hình sự-Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an huyện Văn Lãng tổ chức triệt phá 6 tụ điểm, xử lý 8 đối tượng có hành vi ghi lô, đề, bắt 2 vụ, 9 đối tượng đang sát phạt nhau bằng hình thức đánh bạc.

Không chỉ riêng ở cửa khẩu Tân Thanh, tình trạng nguy cơ mất an ninh trật tự, cùng với đó là các tệ nạn xã hội cũng rất “nóng” ở các cửa khẩu trên đất liền cũng như trên biển. Có thể kể đến cảng biển Vạn Gia (xã đảo Vĩnh Thực, Móng Cái, Quảng Ninh. Ở đây, lao động làm thuê từ khắp nơi đổ về mưu sinh, bất chấp những hiểm nguy trên biển.

Hàng trăm người từ khắp các tỉnh thành đến Vĩnh Thực để hành nghề “cửu vạn”, họ ở trong những khu nhà trọ tồi tàn do cai cửu đứng ra thuê. Hầu hết “cửu vạn” khi được hỏi đều cho biết, họ không phải đưa ra bất kỳ giấy tờ nào để làm thủ tục tạm trú, nhưng vẫn ở hàng tháng trên đảo, tự do ra biển hành nghề.

Phải chăng chính quyền các địa phương không “quản” được những lao động tự do này? Có lẽ đúng, nhưng khó có thể trách. Bởi lẽ, lao động tự do tìm đến nơi có việc làm để mưu sinh là chính đáng, làm sao cấm được. Có chăng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa để bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa các tệ nạn xã hội có thể phát sinh.

Nhưng giải pháp căn cơ nhất vẫn là làm sao giải quyết được việc làm cho những lao động tự do tại vùng biên. Đây là bài toán rất khó, bởi lâu nay, nhiều giải pháp đã được triển khai để tạo việc làm cho lao động nhưng vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.

Ngay cả việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động, do nhiều vướng mắc nên số lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài rất hạn chế; trong khi đó không ít lao động chấp nhận xuất khẩu “chui” để mưu sinh. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.