Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển 'tam nông': Thành công của Nhật Bản là bài học cho Việt Nam

PV - 17:31, 06/09/2018

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng và kinh nghiệm phát triển ‘tam nông” của Nhật Bản sẽ là những bài học quý báu cho Việt Nam trong hoạch định chính sách, định hướng lớn phát triển khu vực này.

tam nông Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Hội thảo tập huấn về “Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội thảo còn có Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; lãnh đạo của 7 bộ, ngành Việt Nam; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda; Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản Tsutomu Takebe; Thượng nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe cùng các chuyên gia cao cấp của JICA…

Đánh giá cao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo đúng thời điểm Trung ương Đảng đang tổng kết 10 năm thực hiện NQ số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về tam nông, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo phục vụ tổng kết cũng như góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới.

Xây dựng mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã phát triển thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Đời sống nông dân được bảo đảm và có các chính sách an sinh xã hội tốt.

Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng từ thực tiễn lịch sử phát triển cho thấy, nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều nét tương đồng, cùng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây canh tác chủ lực là lúa gạo. Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển “tam nông” sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội thảo cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển tam nông tại Việt Nam.

Từng chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Bắc Giang hồi tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cách làm OCOP là việc tham khảo một trong những kinh nghiệm thành công điển hình trong phát triển tam nông của Nhật Bản từ những năm 1980. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội nói chung, cần chú ý phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hóa...

“Chúng tôi tin rằng việc học tập những kinh nghiệm về phát triển tam nông của Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là thiết thực để có thể giải quyết được căn bản những yếu kém, thách thức của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng.

Đồng thời Phó Thủ tướng hy vọng hai bên hướng đến triển khai Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực.

tam nông Ảnh: VGP/Thành Chung

Gia tăng giá trị cho người nông dân

Quá trình đi lên trở thành nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách, vĩ mô từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Theo Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam Tsutomu Takebe, Nhật Bản đã đi từ các bước đầu tiên là cải cách đất nông nghiệp để xây dựng nhà nông tự chủ (trong 16 năm), thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa sang sản phẩm có nhu cầu ngày càng cao trên cơ sở luật pháp (trong 30 năm). Từ những năm 1990, Nhật Bản áp dụng mạnh hơn nguyên lý thị trường trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm hài hoà với đời sống nông thôn.

Đặc biệt từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản thực hiện theo chính sách nông nghiệp “Takebe” (tên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp giai đoạn này) hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định, ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hoà giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên và cơ cấu nông nghiệp do doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động hiệu quả xác lập.

Ông Hiroshi Matsuura ở Đại sứ quán Nhật Bản cho biết ngay từ khi cải tạo đất nông nghiệp, Chính phủ đã đưa máy móc cỡ lớn vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian nhàn rỗi, làm thêm nghề phụ hay làm cho các nhà máy.

Chính phủ Nhật Bản cũng quan tâm tới việc tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp thương mại. Theo đó, khuyến khích người nông dân tham gia hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các kho trữ lạnh, bảo quản tốt nông sản khi tới tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, một quả xoài của Nhật Bản hiện nay có giá tương ứng với 800.000 đồng.

tam nông Ảnh: VGP/Thành Chung

Với tâm thế biến nông nghiệp thành ngành công nghiệp thứ 6 tại Nhật Bản, ông Matsuura cho biết Chính phủ tạo cơ chế để không chỉ sản xuất thông thường mà còn gia công, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau (kể cả sản phẩm du lịch) từ một loại nông sản. “Chỉ riêng việc cắt rau củ quả và đóng gói cũng đã là một doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản”, ông Hiroshi Matsuura nói.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng phải có cơ chế biến ý tưởng thành khả thi, xem xét chính sách khi ban hành có lợi cho ai, thực hiện chuyển dịch lực lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp thành lợi thế của nhà nông và duy trì đất nông nghiệp tối ưu, đa dạng để nông thôn có “sức sống”, hấp thụ tốt công nghệ cao.

Còn Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Yasushi Tanaka nhìn nhận nhiều nhân tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, trong đó có nông nghiệp. Đó là chính sách mở cửa thị trường mạnh mẽ, quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ, có trình độ và tay nghề cũng như những lợi thế về địa lý, giao thông đường biển…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức về hạ tầng chưa hoàn thiện, năng lực logistics còn yếu, cơ cấu kinh tế còn bất hợp lý, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu.

Với kinh nghiệm hàng chục năm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, JICA đề xuất Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nên chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng có chất lượng qua khai thác tiềm năng cao trong nông nghiệp ở các vùng lãnh thổ.

“Việt Nam cần phát triển các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp không phải là các công ty sản xuất theo hình thức gia công xuất khẩu. Coi trọng thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Yasushi Tanaka đề nghị.

Đồng thời, ông Tanaka đề nghị Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh doanh nông nghiệp liên quan tới hợp tác công-tư. JICA sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản sở hữu công nghệ tiên tiến nhưng không có mạng lưới ở nước ngoài.

THEO CTTĐT CHÍNH PHỦ

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.