Tuy đã có mặt ở Việt Nam từ khá lâu, nhưng vài năm gần đây, môn bóng rổ mới thật sự thu hút học sinh, sinh viên và các bạn trẻ tập luyện, thi đấu. Sức hấp dẫn của bộ môn này chính là tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, giúp rèn luyện tốt về thể lực và khả năng quan sát, nắm bắt, thực hành kỹ thuật, chiến thuật, nhưng cũng vô cùng ngẫu hứng, sáng tạo trong thi đấu. Đặc biệt, môn thể thao này còn giúp người chơi, nhất là giới trẻ phát triển chiều cao và hình thể, phát huy được tố chất khéo léo, nhanh nhẹn và linh hoạt.
Có thể thấy, sự phát triển của phong trào bóng rổ được thể hiện qua số lượng câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, thi đấu được mở ra ngày càng nhiều. Các giải đấu ở cấp cơ sở, địa phương và quốc gia liên tục được tổ chức với quy mô mở rộng cùng sự tham gia của nhiều vận động viên và sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ.
Tại tỉnh Lâm Đồng phong trào chơi bóng rổ ngày càng mạnh, tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông Thái Văn Sự - Chuyên viên Giáo dục thể chất, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: Phong trào bóng rổ trong học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh bắt đầu được các trường học và phòng GD-ĐT các huyện quan tâm và phát triển từ năm 2016. Bộ môn này cũng đã được đưa vào môn thể thao tự chọn để giảng dạy tại các trường.
Ban đầu bộ môn này cũng gặp nhiều khó khăn do các trường không có giáo viên giảng dạy chuyên sâu môn bóng rổ. Đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên môn bóng rổ còn quá ít, phần lớn là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân tập thể thao cho học sinh là khá phổ biến, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện còn thiếu và xuống cấp, phải tập luyện nhờ ở các sân bóng hay cơ sở thi đấu của các bộ môn thể thao khác.
Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế nhằm phát triển môn thể thao này Trường THPT Trần Phú – TP. Đà Lạt cũng như một số trường khác trong tỉnh đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị để bắt đầu áp dụng cho học sinh của trường tập luyện môn bóng rổ. Ban Giám hiệu nhà trường đã mời các huấn luyện viên về tập huấn chuyên sâu môn bóng rổ cho các giáo viên Giáo dục thể chất. Đến nay, cùng với các môn bóng đá, môn bóng rổ đã trở thành môn học giáo dục thể chất được đông đảo học sinh trong trường lựa chọn. Phong trào chơi bóng rổ trong học đường ngày càng được nhân rộng.
Để môn bóng rổ thâm nhập được vào môi trường học đường, ngành thể dục - thể thao đã phối hợp ngành giáo dục cùng sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và một số tổ chức quốc tế đã và đang triển khai đề án “Phát triển bóng rổ học đường đến năm 2030” với nhiều giải pháp và mục tiêu cụ thể, hướng tới tăng cường phát triển bộ môn bóng rổ thông qua việc huấn luyện các giáo viên thể chất để họ có thể truyền đạt và đưa bộ môn này vào chương trình học ngoại khóa hoặc chính khóa trong trường; thay đổi cách giảng dạy và phổ cập bộ môn bóng rổ trong trường học để tăng sức hấp dẫn hơn nữa.
Theo các chuyên gia thể thao, trước mắt cần tập trung xây dựng giáo trình huấn luyện bóng rổ hợp chuẩn quốc tế, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên bóng rổ và mời gọi đầu tư, tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các giải bóng rổ học đường, bóng rổ trẻ… Với sự chung tay giúp đỡ và trách nhiệm của các ngành, các cấp, hy vọng môn bóng rổ sẽ phát triển, mở rộng cả về chất và lượng để thật sự trở thành môn thể thao thu hút đông giới trẻ tham gia./.