Thực tế, tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan được xếp vào hàng ngũ những quốc gia hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống và nhà kính. Hiện nay, Hà Lan chiếm tới 25% diện tích nhà kính áp dụng công nghệ hiện đại trên toàn cầu. Thiết bị trong nhà kính đều được điều hành bằng hệ thống tin học, sản xuất được cơ giới hóa, tự động hóa, gồm các khâu làm ấm, thông gió, hạ nhiệt, tưới nước, bón phân, phun thuốc, khử trùng… Thậm chí, nhiều nhà kính còn sử dụng công nghệ không dùng đất. Các sản phẩm nhà kính của Hà Lan đã được cung cấp cho cả châu Âu và nhiều phần còn lại của thế giới. Theo Tổng cục Thống kê Hà Lan, năm 2016, xuất khẩu nông sản thực phẩm nước này đạt gần 94 tỷ euro (so với 90 tỷ euro năm 2015), biến nông nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế. Đất nước hoa tulip là nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. 12 trong số 40 công ty nông nghiệp và thực phẩm lớn nhất toàn cầu có cơ sở sản xuất chính hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Lan.
Điều đáng nói là, tuy nền nông nghiệp phát triển như vậy nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 1,6 % GDP và chưa đầy 1,5 % dân số Hà Lan làm nghề nông (số liệu 2016). Trong khi đó, hơn 50% diện tích đất nước được sử dụng để trồng trọt. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, một cuộc cách mạng công nghệ nông nghiệp là cần thiết và nông nghiệp kỹ thuật số (hay nông nghiệp chính xác) đang nổi lên như một giải pháp triển vọng giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khả năng cung cấp thực phẩm toàn cầu đang tụt giảm do diện tích đất canh tác bị thu hẹp và biến đổi khí hậu.
Các ứng dụng của nông nghiệp chính xác ở Hà Lan có thể kể đến các hệ thống hướng dẫn tự động và công nghệ đánh giá sự thay đổi, cho phép áp dụng trong các khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước, diệt cỏ và trừ sâu, thu hoạch và chăn nuôi một cách chính xác nhất. Năm ngoái, Chính phủ Hà Lan đã đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu do vệ tinh quay quanh quỹ đạo trái đất thu thập nhằm làm cơ sở đưa ra các giải pháp cải thiện tính bền vững và hiệu quả trồng trọt. Cụ thể là, vệ tinh sẽ ghi lại các số liệu về độ ẩm, chất lượng đất, không khí, áp suất… qua đó giúp người nông dân xem xét các phương án tưới tiêu, bón phân, thụ phấn…
Hà Lan còn tiên phong sử dụng công nghệ đèn led, cho phép trồng trọt ngay tại các khu đô thị quanh năm, bất kể thời tiết nào và quản lý theo các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt. Người ta sử dụng các loại đèn LED ba màu xanh, đỏ và trắng để tối ưu hóa với từng loại cây nhằm điều khiển hình dáng, kích cỡ, năng suất, thậm chí cả hàm lượng tinh dầu trong mỗi loại rau và thảo mộc, tạo ra các loại rau và thực phẩm hoàn toàn sạch nhưng lại có năng suất cao và giá thành rẻ hơn.
Bên cạnh đó, Hà Lan đang xây dựng Khu Thử nghiệm quốc gia về canh tác chính xác để làm nơi thử nghiệm thực tiễn các phát minh, công nghệ tiên tiến và giống cây trồng mới nhất. Trong thời điểm hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu đại học Wageningen (WUR) được coi là “bộ não” của ngành nông nghiệp, đồng thời được công nhận là viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu thế giới. Ngoài ra, Chính phủ còn lên kế hoạch thành lập một trung tâm kiến thức nhằm truyền bá kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan ra toàn thế giới.
Chính sách nông nghiệp của Hà Lan chú trọng vào những nguyên tắc chính sau: Cạnh tranh quốc tế; tính bền vững (về mặt kinh tế, xã hội và môi trường); chất lượng và an toàn thực phẩm; phúc lợi động vật; bảo tồn đa đạng sinh học và thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái động, thực vật; bảo tồn cảnh quan nhân tạo mang ý nghĩa lịch sử, các công trình và sự sống động của vùng nông thôn.
NGỌC MINH