Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Phát triển kinh tế từ tiền dịch vụ môi trường rừng

PV - 15:49, 29/05/2018

Lai Châu là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả nhất chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên cả nước. Nguồn tiền chi trả DVMTR được trao tận tay người dân, tuy nhiên nhiều hộ được chi trả với số tiền lớn nhưng gia đình vẫn nghèo đói do sử dụng đồng tiền không hợp lý.

 Người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

 

Trước đây, hằng năm nhà chị Vừ Thị Lía, bản Nậm Đắc được chi trả trên 10 triệu đồng tiền DVMTR, là một trong những hộ được chi trả nhiều nhất của xã Pú Đao (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Thế nhưng do không biết cách sử dụng, số tiền trên dần cũng tiêu hết mà không làm được gì.

Câu chuyện của chị Lía cũng là câu chuyện chung của hầu hết người dân tại xã Pú Đao. Nhận được số tiền hàng chục triệu đồng, nhưng người dân lại không đầu tư làm kinh tế, người thì mua xe máy, người thì tiêu pha,… dẫn tới tình trạng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nắm bắt tâm lý đó của người dân, chính quyền xã Pú Đao đã có nhiều chủ chương, kịp thời hỗ trợ người dân sử dụng số tiền đó đúng mục đích. Như câu chuyện của chị Vừ Thị Lía, thời điểm năm 2016, chị nhận được 20 triệu đồng từ tiền chi trả DVMTR. Ngay khi chi trả tiền cho chị Lía, chính quyền xã Pú Đao ngay lập tức đã định hướng, vận động chị Lía mua lợn về nuôi.

Đến nay, đàn lợn của chị đã có hơn chục con trong chuồng. Với đàn lợn của mình, chị Lía cũng có thêm thu nhập, cuộc sống dần dần ổn định hơn. “Trước đây, có tiền là mình tiêu hết, từ khi được tuyên truyền của cán bộ xã về sử dụng tiền DVMTR nhà mình dành tiền đó để nuôi lợn thế là nhà mình giờ đã có đàn lợn rồi mình phấn khởi lắm!” chị Lía chia sẻ.

Được biết, với diện tích trên 5 nghìn ha rừng, hằng năm xã Pú Đao được tri trả trên 2 tỷ đồng tiền DVMTR. Trung bình mỗi hộ nhận được khoảng 12 triệu đồng/năm, đặc biệt có bản mỗi hộ được chi trả 46 triệu đồng/năm. Nếu số tiền này được sử dụng đúng cách đây chính là nguồn lực rất lớn để giúp hơn 200 hộ dân trong xã có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.

Ông Ly A Chứ, Chủ tịch HĐND xã Pú Đao cho biết, người dân trong xã hằng năm có nguồn chi trả DVMTR tương đối lớn nên chúng tôi đã vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, ngoài ra đóng góp xây dựng đường giao thông nội bản hay vận động phát triển kinh tế.

Nhờ đó mà Pú Đao là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM của huyện Nậm Nhùn với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đến nay, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt hơn 13 triệu đồng/năm; đàn đại gia súc hơn 1 nghìn con phát triển tốt; xã có 215 hộ gia đình văn hóa, đạt gần 96% tổng số hộ toàn xã và có 4/4 bản văn hóa..

Tuy nhiên, theo ông Ly A Chứ, mặc dù nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo nhờ tiền chi trả DVMTR, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hộ chưa sử dụng tiền đúng cách. Đòi hỏi chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực trong định hướng, hướng dẫn người dân sử dụng đồng tiền đúng mục đích, hiệu quả.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.