Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng (Bài 1)

Thúy Hồng - Mai Hương - 10:39, 11/11/2023

Khu vực biên giới là địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000km. Tại đây, có nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng, nên việc phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Qua đó thúc đẩy kinh tế của các địa phương khu vực biên giới nói riêng, cả nước nói chung phát triển và hội nhập.

Trong những năm qua, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã và đang có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Để khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.
(BCĐ- Chuyên đề TT Đối ngoại) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Góp phần tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước láng giềng và khu vực
Cửa khẩu Móng Cái-Quảng Ninh là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Móng Cái với TP. Đông Hưng (Trung Quốc)

Tiềm năng kinh tế lớn

Khu vực biên giới đang có lợi thế thu hút đầu tư rất lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Trên 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc đã hình thành 26 khu kinh tế cửa khẩu, 267 cụm công nghiệp hoạt động, với tổng diện tích là 8.799ha, tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.

Đơn cử như, Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) là một trong 9 khu kinh tế quan trọng của cả nước, được thành lập cuối năm 2008 với quy mô gần 400 km2. Đây là khu vực được đánh giá là nơi có vị trí đặc biệt thuận lợi so với các cửa khẩu khác, với trục tứ giác kinh tế trọng điểm Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giao thông thông suốt. Với những tiềm năng và lợi thế đó, GRDP của Khu KTCK tăng từ 7.172,1 tỷ đồng năm 2013 đến 16.574 tỷ đồng năm 2022.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hoàng Khánh Duy cho biết: Do có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, nơi có tuyến đường huyết mạch 1A xuyên Việt và tuyến đường sắt xuyên Á, liên vận quốc tế Việt - Trung và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn -Hà Nội- Hải Phòng, nên tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu này.

Khu KTCK Đồng Đăng đã góp phần quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, đồng thời tác động tích cực đến sự phát triển của các khu vực khác; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng, tăng cường quan hệ đối ngoại, tăng thu ngân sách, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Theo đó, tại khu vực cửa khẩu, đã thành lập các Hợp tác xã (HTX) tập trung xây dựng các kho, bến, phục vụ bốc xếp hàng hóa, vận chuyển khách, nhờ đó đã tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn.

Còn tại Quảng Ninh có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn; khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Trong đó, nổi bật nhất là khu Cửa khẩu Móng Cái, là thành phố cửa khẩu quốc tế duy nhất trong cả nước có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Những năm qua, thương mại biên giới luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Móng Cái với TP. Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). Năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu này vẫn đạt trên 4 tỷ USD, tăng 46%; năm 2022, tổng lượng hàng hóa XNK đạt 1 triệu tấn, kim ngạch XNK gần 3,3 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1.650 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Theo thống kê, sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ đầu năm 2023, hoạt động XNK, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) liên tục tăng trưởng. Tính đến hết tháng 8/2023, tổng kim ngạch hàng hoá XNK đạt hơn 2,2 tỷ USD (tăng khoảng 5%); thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.000 tỷ đồng (tăng khoảng 8%) so với cùng kỳ năm 2022.

(BCĐ- Chuyên đề TT Đối ngoại) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Góp phần tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước láng giềng và khu vực 1
Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Vẫn còn nhiều trở ngại

Tuyến biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia được đánh giá là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam với nước láng giềng. Nhưng nhìn từ thực tế, việc đầu tư nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển.

Tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), năm 2020, kim ngạch XNK hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 250 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt 180 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể đối với tỉnh khó khăn như Hà Giang. Song như ý kiến của ông Hoàng A Chinh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang, nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kết cấu hạ tầng tại KKT cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu chính sách ưu đãi, nên chưa thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh.

Còn tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) được thành lập để phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh mà còn là cửa ngõ kết nối giao thương, trung chuyển hàng hoá, trên đường Xuyên Á từ Myanmar, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, KKT cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đóng góp của KKT này vào nền kinh tế của Tây Ninh không tương xứng với quy mô của nó.

Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, sau hơn 20 năm thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mới sử dụng khoảng 9% trong tổng số hơn 21.000 ha mặt bằng. Nghĩa là, nhiều diện tích vẫn ở dạng tiềm năng, phần lớn còn là ý tưởng quy hoạch và kỳ vọng ở tương lai.

Nguyên nhân hạn chế trong phát triển kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là do cơ cấu kinh tế ở khu vực biên giới, nông nghiệp vẫn là chủ đạo; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.

(BCĐ- Chuyên đề TT Đối ngoại) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Góp phần tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với các nước láng giềng và khu vực 2
BĐBP Lai Châu và Chi đội Quản lý Biên giới Hồng Hà, Trạm kiểm tra Biên phòng xuất, nhập cảnh Kim Thủy Hà (Vân Nam, Trung Quốc) phối hợp tổ chức hoạt động tuần tra liên hợp chấp pháp trên biên giới.

Rõ ràng, phát triển kinh tế khu vực biên giới còn nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Bên cạnh những khó khăn nội tại, như quy hoạch thiếu tính dự báo, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư ... thì “điểm nghẽn” lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu, như trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm. Quy mô thương mại các tỉnh biên giới còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước.

Để phát huy lợi thế kinh tế mũi nhọn này, cần được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực biên giới và tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.