Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Chính sách mới, động lực mới (Bài 2)

Thúy Hồng - Mai Hương - 15:25, 13/11/2023

Khu Kinh tế của khẩu (KTCK) vốn được coi là cơ hội để các địa phương tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên để khai thác hiệu quả các Khu KTCK còn không ít vấn đề đặt ra cần nhanh chóng giải quyết. Để khai thác triệt để tiềm năng kinh tế của khu vực biên giới cần có những đột phá trong quy hoạch và chiến lược phát triển công nghiệp - thương mại vùng biên.


(BCĐ- CĐ Thông tin đối Ngoại, đăng ngày 15/11/2023) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Bài 2: Cần tạo bước đột phá để trong quy hoạch và phát triển thương mại vùng biên
Sự hình thành và phát triển của các KKT cửa khẩu thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân khu vực biên giới.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại biên giới

Điện Biên, là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc cũng là địa phương duy nhất của nước ta có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Điện Biên được coi là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Vân Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu của Điện Biên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa thu hút được các doanh nghiệp giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới của Điện Biên 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 58,02 triệu USD, chỉ đạt 48,35% so với kế hoạch năm.

Theo ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên thì để phát huy tiềm năng và đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan tích cực tạo thuận lợi cho hàng hóa bên trong các tiểu vùng đi qua địa bàn; đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Còn tại Lào Cai, với tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, được coi là “cầu nối” quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh thành trong cả nước sang thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng của tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Bên cạnh đó, Lào Cai có 2 cửa khẩu quốc tế (1 đường sắt, 1 đường bộ), 2 cửa khẩu phụ và 7 lối mở biên giới. Tuy nhiên, trong điều kiện xuất khẩu hàng hóa cả nước tăng cao, thì năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thời điểm đã có hàng trăm container hàng hóa bị tắc nghẽn ở các cửa khẩu.

Để tháo những nút thắt, đảm bảo có sự tương đồng về mặt chính sách hoạt động xuất nhập khẩu, Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại địa phương. Hiện nay Lào Cai đã quy hoạch khu logistics rộng 270 ha và đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Với tầm nhìn dài hạn, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng những trung tâm logistics liên hoàn; tăng cường vận tải đa phương thức, đưa Lào Cai trở thành thị trường logistic hấp dẫn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Doãn Công Khánh- Chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: Xây dựng và tổ chức hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai là nội dung quan trọng quyết định sự thành bại rất lớn của trung tâm giao thương này. Theo đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đáp ứng nguồn vốn đầu tư, đảm bảo về nguồn nhân lực, sự hợp tác trong nội bộ, với các vùng khác, đặc biệt các doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, giải quyết hạ tầng, mạng lưới logistics.

(BCĐ- CĐ Thông tin đối Ngoại, đăng ngày 15/11/2023) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Bài 2: Cần tạo bước đột phá để trong quy hoạch và phát triển thương mại vùng biên 1
Xe container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Kỳ vọng vào chính sách mới

Thực tế cho thấy, sự hình thành và phát triển của các KKT cửa khẩu góp phần thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên... Thông qua hoạt động của các KKT cửa khẩu, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã chiếm lĩnh thị phần của đa dạng thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Chưa có nhiều ưu đãi đột phá, nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực cửa khẩu liên quan đến rất nhiều loại quy hoạch khác nhau; quy trình mở và nâng cấp cửa khẩu của Việt Nam với các nước còn nhiều khác biệt; mức độ đầu tư về phát triển cửa khẩu của chúng ta với các nước láng giềng khác nhau… Theo báo cáo của Bộ Công Thương, còn rất nhiều tồn tại cần phải được quan tâm đầu tư cho các tỉnh khu vực biên giới. Trình độ phát triển chênh lệch; kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước.

Nhiều cửa khẩu quốc tế ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ vẫn chưa có các KKT cửa khẩu, như: Nậm Cắn (Nghệ An) giáp với nước bạn Lào, Lệ Thanh (Gia Lai) giáp với Campuchia, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) giáp với Campuchia... chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế cửa khẩu của địa phương.

(BCĐ- CĐ Thông tin đối Ngoại, đăng ngày 15/11/2023) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Bài 2: Cần tạo bước đột phá để trong quy hoạch và phát triển thương mại vùng biên 2
Bội đội biên phòng Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cùng người dân sửa cầu dân sinh

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đến các cửa khẩu quan trọng. Đầu tư có định hướng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ nhằm hình thành hệ thống cửa khẩu xanh, sạch với mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả. Hình thành các khu vực cửa khẩu biên giới có hoạt động thương mại, logistics, du lịch và dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam và Trung Quốc.

Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt… Đến năm 2050, dự kiến trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 31 cửa khẩu, trong đó có 18 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt. Hầu hết các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đều có đầy đủ 2 loại hình cửa khẩu quốc tế, song phương.

Theo đó, cơ sở hạ tầng các khu vực biên giới sẽ được đầu tư xây dựng, cơ chế, chính sách sẽ được rà soát để sớm phát hiện, tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc... Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu, các chợ biên giới, trung tâm thương mại sẽ có chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách xã hội khác... tạo điều kiện gắn kết giữa các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động thương mại, giao lưu kinh tế.

(BCĐ- CĐ Thông tin đối Ngoại, đăng ngày 15/11/2023) Phát triển kinh tế khu vực biên giới: Bài 2: Cần tạo bước đột phá để trong quy hoạch và phát triển thương mại vùng biên 3
Đầu tư hạ tầng thương mại biên giới sẽ giúp người dân vùng biên giao lưu văn hóa, kinh tế với nhười dân các nước bạn láng giềng thuận lợi hơn

Có thể thấy, với chiến lược quy hoạch cửa khẩu được xây dựng theo hướng đa dạng hoá nhiều loại hình, nhiều cấp độ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và cả nước. Tin rằng, thời gian tới, kinh tế khu vực biên giới sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Qua đó, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân khu vực biên giới, trong đó phần lớn là đồng bào DTTS, tăng cường, mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các nước khác trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ nước ngoài

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua đó, ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giúp các địa phương từng bước ổn định an sinh xã hội.