Nhắc đến xóm Sưng, và xóm Mó Hém trước kia, người dân ở đây đều nhớ đến cảnh đói nghèo, lạc hậu. Ông Lý Văn Thu, người dân xóm Sưng nhớ lại: “Ngày ấy, nguồn thu nhập của dân làng chúng tôi phụ thuộc vào trồng lúa nương, sắn, chè và nuôi thêm lợn, gà. Kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp. Nhà cửa thì đơn sơ, chông chênh giữa núi đồi, nhìn xung quanh bốn bề chỉ thấy núi, thấy rừng. Đường về trung tâm xã vốn đã xa lại cheo leo, ghồ ghề sỏi, đá. Chúng tôi nghĩ dân mình sẽ nghèo mãi nếu như không làm du lịch cộng đồng”.
Với mong muốn biến tiềm năng thành lợi thế, cùng mục tiêu xóa đói, giảm nghèo lâu dài, năm 2017, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp cùng Tổ chức AFAP (tổ chức phi chính phủ của Ôxtraylia) đưa du lịch cộng đồng về với người dân xóm Sưng và xóm Mó Hém.
Không chỉ đưa ra định hướng phát triển, chính quyền tỉnh Hòa Bình còn tích cực đẩy mạnh truyền thông, liên kết với các công ty du lịch, tạo ra các hoạt động kích cầu để quảng bá du lịch cho xóm Sưng và Mó Hém. Chỉ chưa đầy 3 năm, du lịch cộng đồng xóm Sưng, xóm Mó Hém đã mang lại những dấu ấn riêng. Anh Quách Thanh Sơn, hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Chúng tôi quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội, chuyên trang về du lịch, các món ăn dân tộc, phong tục, tập quán của người Dao. Cảnh đẹp núi rừng cùng quần thể hồ Hòa Bình là những điểm nhấn thu hút du khách quốc tế. Đặc biệt, đồng bào Dao còn thêu thùa, may vá các sản phẩm thủ công và bán trực tiếp cho khách hàng, vừa giữ nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập”.
Ông Lý Văn Thu, một trong những người Dao đầu tiên làm du lịch cộng đồng chia sẻ: “Chúng tôi có cảnh đẹp hoang sơ, có bề dày văn hóa dân tộc thuận lợi làm du lịch cộng đồng, nhưng không biết khai thác. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi được hỗ trợ vốn vay, thay đổi tư duy, nhận thức và được cho đi học cách làm du lịch. Giờ đây ai trong xóm cũng thích làm du lịch”.
Đến nay, tại xóm Sưng và xóm Mó Hém, có 6 Homestay hoạt động đón khách. Các hoạt động tiếp đón khách du lịch được các hộ dân tổ chức chuyên nghiệp và chia làm các tổ, bao gồm: Tổ nhóm ẩm thực, tổ nhóm văn nghệ, tổ tiếp đón... Các tổ, nhóm đều được tập huấn, thăm quan học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở các nơi khác nên cách làm du lịch tại đây rất chuyên nghiệp, lịch sự, nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào DTTS vùng cao Tây Bắc.
Ông Vũ Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Để có được sự thay đổi theo hướng tích cực như hiện nay, bên cạnh sự đồng hành của chính quyền địa phương, hỗ trợ về cơ sở vật chất, định hướng của Nhà nước thì quan trọng hơn cả là sự thay đổi tư duy của người dân. Người dân đã biết nắm bắt cơ hội để thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, lượng du khách đến trải nghiệm, khám phá xóm Sưng, xóm Mó Hén đang ngày một tăng lên, khoảng 80% lượt du khách là người nước ngoài. Bình quân mỗi năm, hai xóm Sưng, Mó Hém đón 900 - 1.100 lượt khách, trong đó có 500 - 600 lượt khách lưu trú. Thông qua con đường du lịch, những sản phẩm do bà con làm ra như chè Shan tuyết, rượu hoẵng, hàng thổ cẩm được giới thiệu, quảng bá, có sức tiêu thụ tốt giúp kinh tế của bà con dần khấm khá. Bình quân thu nhập của người dân hai xóm Sưng, Mó Hém đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Từ một vùng đất không mấy ai biết đến, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, sự nỗ lực của người dân, nên xóm Sưng, xóm Mó Hém đã trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá các bản làng du lịch cộng đồng ở Hòa Bình.
Có thể thấy, trong sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương cùng sự phát huy nội lực của người dân có vai trò quyết định đến thành công.
Hiện nay, khi dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại một số địa phương trong cả nước, người dân xóm Sưng, xóm Mó Hén đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác khai báo lưu trú, nhất là khách nước ngoài. Các Homestay cũng chủ động nắm rõ quá trình di chuyển của du khách để có biện pháp theo dõi, phòng ngừa, phát hiện dịch bệnh. Hướng dẫn du khách những vấn đề phòng dịch cơ bản nhất, thường xuyên vệ sinh buồng, phòng sạch sẽ để ngăn ngừa dịch bệnh, thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm cao với cộng đồng.
Để có được sự thay đổi theo hướng tích cực như hiện nay, bên cạnh sự đồng hành của chính quyền địa phương, hỗ trợ về cơ sở vật chất, định hướng của Nhà nước thì quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy của người dân. Người dân đã biết nắm bắt cơ hội để thoát nghèo bền vững”.
Ông Vũ Văn Đoàn, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình