Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát triển cây “xoá nghèo” ở thung lũng Mường Ảng

Nhật Minh - 06:50, 25/11/2023

Nằm dưới chân đèo Tằng Quái, từ lâu thung lũng Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã nổi tiếng là “vựa” cà phê lớn nhất vùng Tây Bắc. Ở độ cao từ 700 – 1.700m so với mực nước biển, Mường Ảng có khí hậu, thổ nhưỡng màu mỡ rất phù hợp để cây cà phê Arabica phát triển. Chất lượng cà phê Arabica huyện Mường Ảng đã được các chuyên gia đánh giá cao có hương vị đặc trưng riêng không vùng nào có được.

Người dân Mường Ảng thu hoạch cà phê
Người dân Mường Ảng thu hoạch cà phê

Cây cà phê được trồng tại thị trấn Mường Ảng từ những năm 1970, nhưng sau đó, do mô hình canh tác thời kỳ bao cấp không còn phù hợp với thực tiễn nên nông trường đã giải thể, đời sống của bà con Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, để tạo công ăn việc làm cho công nhân nông trường, năm 1996 cây cà phê bắt đầu được trồng lại theo mô hình mới, giống cây tốt hơn. Bà con được giao đất, hỗ trợ cây giống, phân bón. Trải qua những thăng trầm, đến nay, cây cà phê đã đứng vững ở vị trí đầu tàu, mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: "Cà phê Arabica Mường Ảng có hương vị thơm đậm đà của núi rừng Tây Bắc, có độ chua và hàm lượng cafein hoàn hảo, sang trọng, thanh thoát; 100% là cà phê nguyên chất không pha trộn, không phẩm màu, không chất bảo quản, không phụ gia, không hương liệu hóa chất. Cà phê quả tươi được thu hái 100% chín cây. Chất lượng cà phê Arabica trồng tại huyện Mường Ảng đã được các chuyên gia đánh giá cao do có hương vị đặc trưng riêng biệt mà không vùng nào có được, cà phê là cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 45.000 tấn quả tươi, tổng doanh thu ước tính gần 600 tỷ đồng. Mùa thu hoạch tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, với thu nhập từ 7,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, cà phê Arabica Mường Ảng được gọi là cây “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân nông thôn miền núi".

Đến nay, diện tích cây cà phê tại Mường Ảng đã đạt khoảng trên 3.000 ha, tập trung chủ yếu tại thị trấn Mường Ảng và 3 xã: Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở thuộc thung lũng huyện Mường Ảng. Sản lượng trung bình quả tươi đạt 15 tấn/ha. Sản lượng cà phê trấu đạt 3 tấn/ha. Với mỗi ha cà phê, mỗi năm tạo công ăn việc làm rất lớn cho Nhân dân trong và ngoài huyện, với mức thu nhập trung bình 40 - 60 triệu đồng từ công hái quả, tỉa cảnh tạo tán, bón phân…

Diện tích cây cà phê Arabica tại Mường Ảnh ngày càng được mở rộng và trở thành cây xoá nghèo cho người dân địa phương
Diện tích cây cà phê Arabica tại Mường Ảnh ngày càng được mở rộng và trở thành cây xoá nghèo cho người dân địa phương

Anh Nguyễn Ngọc Tứ, người trồng cà phê ở xã Ẳng Cang cho biết: “Gia đình tôi trồng cà phê từ những năm đầu thành lập huyện. Ban đầu, tôi chuyển đổi toàn bộ 2ha đất nương sang trồng cà phê. Sau đó mỗi năm gia đình tôi lại thuê, mua đất nương của người dân để mở rộng thêm diện tích. Đến nay gia đình tôi đã có trên 20ha cây cà phê cho thu hoạch. Năm 2021, cà phê được mùa được giá giúp gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng”.

Năm 2023, thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2023 (Chương trình MTQG 1719), huyện Mường Ảng tiếp tục xác định cây cà phê Arabica là cây chủ lực phát triển kinh tế của huyện. Từ đây huyện sẽ tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 để tập trung phát triển cây cà phê Arabica theo hướng hàng hoá, nâng tầm thương hiệu không chỉ tại Việt Nam mà cả ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Việc tạo công ăn việc làm và sinh kế cho bà con nông dân ở Mường Ảng mới là cái gốc của vấn đề. Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển cây cà phê. Trong đó chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ giống cho các hộ trồng cà phê”.

Huyện Mường Ảng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng cà phê. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn cho người trồng, chăm sóc, thu hái cà phê.

Bên cạnh tập trung sản xuất, huyện Mường Ảng cũng chú trọng công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu hạt cà phê, tăng giá trị và thương hiệu cho cà phê Mường Ảng. Đến nay, toàn huyện đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư nhà máy, dây chuyền chế biến cà phê tại địa bàn; trong đó Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc đầu tư nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu tại xã Ẳng Tở.

Bí thư Huyện uỷ Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt (bên phải) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về sản phẩm đặc sản cà phê Mường Ảng
Bí thư Huyện uỷ Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt (bên phải) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về sản phẩm đặc sản cà phê Mường Ảng

Để để xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Mường Ảng, ổn định đầu ra cho sản phẩm, lãnh đạo huyện Mường Ảng luôn tìm kiếm cơ hội để xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Tháng 3/2023, huyện Mường Ảng lần đầu tiên được tham gia Hội thảo, giới thiệu và trưng bày sản phẩm cà phê Arabica tại Lễ Hội Cà phê Buôn Ma Thuật lần thứ 8, Tại đây cà phê Arabica huyện Mường Ảng được đánh giá cao về chất lượng.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cà phê Arabica Mường Ảng vinh dự có mặt phục vụ các đại biểu Quốc hội. Qua sự kiện lần này, huyện Mường Ảng mong muốn không chỉ đưa sản phẩm cà phê Arabica Mường Ảng đến gần hơn với người tiêu dùng của 63 tỉnh, thành trong cả nước, mà còn có thể hiện thực hoá "giấc mơ" xuất khẩu cà phê đã được chế biến sâu ra nước ngoài.

Đồng thời, địa phương cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt có chính sách hỗ trợ tái canh cây cà phê và mở rộng diện tích trồng cây cà phê cho người nông dân huyện Mường Ảng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.