Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Nhờ đó, từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỷ USD; riêng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,37 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 33,3% so với năm 2020, gấp 3 lần mục tiêu hai nước đề ra (10%).
Năm 2022 là một năm quan trọng có ý nghĩa lịch sử đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Lào - Việt Nam anh em; kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (1977 - 2022). Quan hệ thương mai song phương từ đầu năm đến nay, cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Lào 2022, được tổ chức hôm 25/11 cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,4 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2021. Kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng này, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ sớm đạt 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Tại diễn đàn này, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam, đã điểm lại một số thành tựu nổi bật mà hai nước đạt được. Đó là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước có sự chuyển dịch theo hướng ổn định, bền vững; hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước phát triển tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho cư dân biên giới; hợp tác mua bán điện giữa hai nước cũng đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ giúp Lào phát triển kinh tế, mà còn cung cấp nguồn năng lượng cho nền kinh tế Việt Nam.
Hiện Lào là quốc gia đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, viễn thông, chế biến chế tạo.
Với những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam, hai nước tích cực khai thác tiềm năng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương tăng lên 10 - 15% trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào vẫn còn nhiều dư địa, nhất là trong bối cảnh hợp tác về lĩnh vực giao thông - vận tải đang được tăng cường.
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300 km, đi qua 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại song phương Việt Nam - Lào.
Hiện 100% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Lào chủ yếu thông qua đường bộ. Để kết nối giao thông, Chính phủhai nước nhất trí tăng cường triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm, như: Dự án Cảng Vũng Áng 1, 2 và 3; dự án nâng cấp Quốc lộ 8, dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, dự án sân bay Nọng Khang và các dự án khác...
Sau khi các dự án trên được xây dựng hoàn thiện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại giữa hai bên, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển và trở thànhtrung tâm kết nối tuyến giao thông vận tải trong khu vực và các nước láng giềng.
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam coi trọng việc xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, Chính phủ Việt Nam dành tặng hơn 1.000 suất học bổng cho Lào, Chính phủ Lào cũng tặng suất học bổng cho Việt Nam. Năm 2021, du học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam có khoảng 14.000 người; riêng năm 2022, Chính phủ Việt Nam tặng 1.100 suất học bổng cho Lào, Chính phủ Lào tặng 60 suất học bổng cho Việt Nam. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác trong các lĩnh vực, như khoa học - xã hội, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường, văn hóa - truyền thông, tư pháp, lao động và thương binh - xã hội, du lịch, y tế... Những lĩnh vực này ngày càng phát triển, phù hợp với điều kiện mới và trở thành yếu tố quyết định tăng cường quan hệ Lào - Việt Nam.