Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy vai trò thanh niên DTTS trong xây dựng quê hương: Sức trẻ tiên phong lập thân, lập nghiệp (Bài 1)

An Yên - 23:15, 10/03/2024

LTS: Không cam chịu đói, nghèo; không cam chịu “thua bè kém bạn”… nhiều thanh niên người DTTS đã nỗ lực, quyết tâm lập thân lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, bản làng. Dẫu những mô hình khởi nghiệp chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, khai phá hết lợi thế; thậm chí có mô hình còn chưa thực sự hiệu quả, nhưng tất cả đã cho thấy một ý chí tiến thủ, một khát vọng đổi thay của thế hệ trẻ người DTTS hôm nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho CLB Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà cho CLB Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi

Nếu phải thống kê một danh sách về những tấm gương thanh niên người DTTS vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng sẽ cảm thấy khó khăn, đặc biệt  khó hơn cả việc phải chỉ ra ai trong số họ là điển hình của những điển hình. Bởi mỗi thanh niên này dù làm gì đi nữa, thì vẫn thấy lấp lánh một sức trẻ, một hoài bão, một khát vọng… lớn lao của những con người trẻ.

Dám nghĩ, dám làm

Có ai đó đã từng nói, chỉ cần có ước mơ, có ý chí và hi vọng…, thì trở ngại nào cũng có thể vượt qua để gặt nên quả ngọt. Câu chuyện của nhiều thanh niên người DTTS làm giàu trên mảnh đất quê hương, là minh chứng rõ ràng nhất cho tâm thế dám nghĩ, dám làm để thành công.

Trong rất nhiều những bạn trẻ như vậy, không thể không nhắc đến nhóm thanh niên người DTTS ở xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố, với mô hình sản xuất đa dạng, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Người khởi xướng ý tưởng khởi nghiệp ấy là chàng trai trẻ Lường Đình Hùng – dân tộc Tày.

Với kiến thức học được từ trường, Hùng đã cùng 25 thanh niên DTTS mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Đoàn Thanh niên xã Như Cố. Ban đầu, nhóm đã thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng tại thôn Nà Chào, xã Như Cố sang trồng rau và cây ăn quả. Dù người dân còn e ngại nhưng Hùng và các thành viên thuyết phục mọi người bằng minh chứng không thể chắc chắn hơn, khi cho ra đời các sản phẩm nông nghiệp tươi ngon, an toàn như rau bí siêu ngọn, dưa chuột, cà chua... 

Từ thành công bước đầu, Hùng và các bạn trẻ quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tận dụng những thế mạnh của vùng đất. Lường Đình Hùng kể: HTX đã xây dựng nhiều mô hình mới theo hướng công nghệ cao như nhà lưới CNC, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, máy móc thiết bị làm đất, bạt phủ luống, hệ thống tưới nhỏ giọt… Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm như: Dưa lê Như Cố, Dưa lưới Như Cố, Cà chua Như Cố, Mật ong hoa rừng Như Cố, Bún khô Quân Nguyệt, Trà mướp đắng rừng, Chè Như Cố…; phát triển cây chè với diện tích 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP cùng 1 xưởng chế biến rộng 320m2, 1ha mướp đắng rừng và 2,55ha thanh long ruột đỏ… và nuôi gà, chim bồ câu, ong lấy mật. Đến nay HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, bao gồm: Trà mướp đắng rừng, chè Như Cố, bún khô, mật ong.

Câu chuyện của chàng thanh niên dân tộc Mường, sinh năm 1985 – Nguyễn Văn Đức ở vùng quê nghèo xã Tân Phú (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), cũng là một ví dụ ấn tượng cho thế hệ thanh niên dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại.

Trước khi đến với mô hình nuôi gà chín cựa quý hiếm, Đức đã có công việc ổn định là một ông giáo làng
Trước khi đến với mô hình nuôi gà chín cựa quý hiếm, Đức đã có công việc ổn định là một ông giáo làng

Trước khi đến với mô hình nuôi gà chín cựa quý hiếm, Đức đã có công việc ổn định là một ông giáo làng. Vì “nhảy ngang” nên ban đầu Đức gặp không ít khó khăn do nuôi không bài bản, giống gà chưa chọn lọc… Để có được giống gà quý, Đức đã lặn lội đi khắp các bản làng ở Phú Thọ thu mua gà rồi sàng lọc, nhân giống ra những con gà đạt chuẩn. Cụ thể, dòng gà chuẩn là lúc nở ra sẽ có 6 cựa, khi phát triển và trưởng thành sẽ có 8 cựa hoặc 9 cựa.

Anh Đức nhớ lại: Những ngày đầu khởi nghiệp gian nan lắm, tiền không có, tôi phải bán mấy quả đồi sau nhà để lấy vốn mua gà. Nếu nhớ không nhầm, số tiền mà tôi bỏ ra mua giống khi đó là khoảng 200 triệu đồng. Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc chăm sóc sóc gà, phòng và chữa bệnh cho gà như thế nào…

Nay, mô hình nuôi gà của Đức đang truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, bởi doanh thu từ gà mang lại rất lớn. Mỗi năm, doanh thu bán gà của anh đạt hàng tỷ đồng, nếu trừ hết chi phí, anh thu lãi khoảng 15-20%. Thậm chí với những con gà 9 cựa, loại cực phẩm dành riêng cho việc làm cảnh, biếu tặng có thể lên tới 15-30 triệu đồng/con. Đa phần, những con gà này đều được nuôi trên 8 tháng và nặng từ 1,8-2,5 kg/con.

Với chàng thanh niên trẻ người Ba Na - Đinh A Ngưi ở làng KGiang, xã Kông Lơng Khơng, (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại trăn trở khởi nghiệp theo một cách riêng, ấy là dùng những tiềm năng sẵn có của văn hóa người Ba Na để làm du lịch.

Vậy là, từ cán bộ văn hóa tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Kbang, A Ngưi nhảy ngang, tự đứng ra phát triển kinh tế bằng con đường du lịch văn hóa. Những trầm tích văn hóa lâu đời của người Ba Na không chỉ là âm thanh ching chiêng, đàn T’rưng…; rồi căn nhà rông hay bộ váy áo nữ; đó còn là những những món ăn ngon đậm đà bản sắc của đồng bào… 

Tất cả đã là những điều kiện tốt để A Ngưi biến mình thành ông chủ Homesay tự do tự tại. A Ngưi tâm sự: Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, mình luôn nỗ lực tạo nên những sản phẩm du lịch tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách; nhưng đồng thời cũng luôn ý thức về việc giữ gìn cái cốt cách, tinh thần của đồng bào mình, để tạo nên bản sắc đặc trưng không hòa lẫn vào đâu được.

Để có sự khác biệt nhằm thu hút du khách, A Ngưi đã có lối đi riêng để làm sao mỗi du khách khi đến, sẽ được hòa mình vào thiên nhiên nên thơ hùng vĩ, hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng réo rắt bên ngọn lửa bập bùng… đậm chất Tây Nguyên.

Đinh A Ngưi - ở giữa - và hành trình du lịch bảo tồn văn hóa người ba Na
Đinh A Ngưi - ở giữa - và hành trình du lịch bảo tồn văn hóa người ba Na

Niềm cảm hứng bất tận

Những bạn trẻ người DTTS khởi nghiệp đang là những ví dụ không thể điển hình hơn, là những ngọn lửa truyền cảm hứng nhiệt huyết cho thế hệ thanh niên người DTTS hôm nay trên con đường lập thân, lập nghiệp. Chẳng phải ở đâu xa xôi, chẳng phải điều gì thật lớn lao… con đường lập thân lập nghiệp lại ở ngay chính trên bản làng quê hương yêu dấu, bằng chính những việc làm mà ngày ngày họ vẫn thường làm…

 Quan trọng hơn, con đường khởi nghiệp của những thanh niên người DTTS, đã thổi một luồng gió mới để người dân vùng DTTS&MN thay đổi cách nghĩ, nếp làm, thay đổi định kiến để phát triển kinh tế.

Từ những ví dụ sát sườn, từ những người đi trước mở đường “ăn nên làm ra”; phong trào khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của những bạn trẻ người DTTS đã ngày càng lan tỏa, có chiều sâu hơn.

Đơn cử như, với mô hình nuôi gà chín cựa của thanh niên Nguyễn Văn Đức, đã là bài học đầy ý nghĩa cho phong trào phát triển kinh tế hộ từ nuôi gà ở huyện Tân Sơn. Chẳng thế mà ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã rất hào hứng khoe: Toàn huyện đang có khoảng 25.000 - 30.000 con gà nhiều cựa các loại, trong đó có khoảng gần 20 hộ nuôi tập trung từ 300 con trở lên, còn lại hàng trăm hộ nuôi xen với gà thả vườn, tập trung tại các xã Tân Phú, Xuân Đài, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài... Từ hiệu quả này, năm 2023 vừa qua, huyện Tân Sơn đã tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí giống và thức ăn ban đầu, tăng số hộ tham gia nuôi gà nhiều cựa tập trung; nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại, thí điểm sơ chế, hình thành sản phẩm mới.

Nhóm thanh niên người DTTS ở xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố với mô hình sản xuất đa dạng, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương
Nhóm thanh niên người DTTS ở xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố với mô hình sản xuất đa dạng, mang lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương

Còn với người dân Ba Na ở làng Kgiang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), thì lại có được những đổi thay không ngờ từ chính mô hình du lịch của Đinh A Ngưi. Những mớ rau, củ mì, con gà, cân nếp… từng phải vất vả gùi ra chợ huyện mới bán được, thì nay chỉ cần bán cho A Ngưi cũng đã đắt hơn, lại còn rất khỏe. Hơn thế, những bà, chị… với bộ áo quần truyền thống chỉ mặc dịp hội lễ xong, lại cất thì việc cho A Ngưi thuê để khách du lịch mặc chụp ảnh cũng đã có thu nhập…

 Người người, nhà nhà học theo chàng trai Ba Na - A Ngưi, để mong sao có cuộc sống tốt hơn. Hiện tại, khoảng 200 người các làng trong xã đã được Ngưi tạo công ăn việc làm dưới nhiều hình thức. Riêng làng Kgiang của Ngưi đã có trên 100 hộ, thu nhập của họ tùy lượng khách, dao động từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.

Đồng hành cùng những bạn trẻ, các cấp các ngành đã không đứng ngoài cuộc. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS” do đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác, cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này.

Đồng hành cùng những bạn trẻ, các cấp các ngành đã không đứng ngoài cuộc. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS” do đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác, cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc và nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang nỗ lực thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thu hút đầu tư theo nội dung số 3, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã tổ chức nhiều hoạt động, ban hành nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp như: tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi”; Kon Tum tổ chức tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS năm 2023…

Đó chính là hành lang không thể rộng hơn, để những người trẻ vùng DTTS viết tiếp ước mơ trên chính mảnh đất quê hương, trên chính bản làng yêu dấu bằng những mô hình kinh tế hiệu quả. Một tương lai tươi sáng không còn xa ngái với những thanh niên người DTTS dám nghĩ, dám làm…

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.