Tiên phong trong mọi phong trào
Với tinh thần cần cù, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn cống hiến cho gia đình và xã hội, nhiều người có uy tín là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, động viên con, cháu, vận động Nhân dân trong thôn, bản tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xoá bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, tạo ra những mô hình điển hình, góp phần thúc đẩy phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tại xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, ông La Tài Quan, dân tộc Dao, Người có uy tín thôn Thác Tiên được biết đến là người làm kinh tế giỏi, thường xuyên giúp đỡ các hộ dân tại địa phương cùng nhau phát triển kinh tế và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nói về cơ duyên trồng quế, ông Quan chia sẻ, năm 1992, nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, cũng là cây trồng quen thuộc, gần gũi với người dân bao đời nay, ông đã cải tạo nương đồi của gia đình để trồng hơn 30 héc -ta quế, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động bà con cùng trồng quế. Khi nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, bản thân gia đình ông Quan cũng đổi thay nhờ quế nên bà con đã tin và làm theo, mở rộng diện tích trồng quế.
Ông Quan cười vui, giờ đây bà con không còn bỏ ruộng nương như ngày xưa nữa, họ tận dụng từng tấc đất, cải tạo nương đồi để trồng quế. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, ông La Tài Quan còn tích cực cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ông đã vận động được 29 hộ dịch rào hiến đất để làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích 2.000 m2; bản thân gia đình ông đã hiến 200 m2 đất mặt đường để mở rộng lòng đường.
Với những cố gắng nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, tuyên truyền vận động Nhân dân, năm 2023, ông La Tài Quan đã được UBND huyện Văn Yên tặng giấy khen về điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tương tự, ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan, là người uy tín thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình. Ông Nguyên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của gia đình, với hơn 200 gốc bưởi Diễn, 2 vạn cây quế và đào 3 sào ao nuôi cá… mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Bên cạnh đó, ông Nguyên còn tích cực vận động các hộ dân tham gia các mô hình, tổ hợp tác như hợp tác sản xuất chè, tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn, thực hiện các mô hình chăn nuôi, chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, tham gia đóng góp ngày công tu sửa nâng cấp đường bê tông nội thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi và Phong trào "Thắp sáng đường quê”…
Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả, ông Nguyên đã vinh dự được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái năm 2023.
Ngoài ông La Tài Quan, ông Trần Văn Nguyên, tỉnh Yên Bái còn nhiều tấm gương Người có uy tín trongg phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Như ông Lò Minh Tâm, dân tộc Thái, sinh năm 1947, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đã hiến 700 m2 đất và nhiều ngày công để làm đường thôn, bản; ông Dương Quốc Mong, dân tộc Tày, sinh năm 1947 xã Liễu Đô, huyện Lục Yên đã hiến 1.000 m2 đất, phá bờ rào kiên cố để làm liên thôn; ông Lý Văn Thuỷ, dân tộc Dao, sinh năm 1951 xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên đã vận động Nhân dân đóng góp được trên 200 triệu đồng và trên 2.500 ngày công lao động…
Những tuyên truyền viên tích cực
Ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, hưởng ứng thực hiện Chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Người có uy tín là những tuyên truyền viên tích cực, vận động người thân, cộng đồng tham gia, nhiệt tình ủng hộ, hiến hàng ngàn m2 đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; vận động nhân dân chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đến hết năm 2022, tỉnh Yên Bái đã có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ); có 99 xã/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 66,0 % số xã, trong đó có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15% so với năm 2021; đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên.
Nhận định về vai trò của Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, ông Vàng A Rùa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, Người có uy tín tiêu biểu là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế xoá đói, giảm nghèo góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác biểu dương, tôn vinh và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động. Các cấp ủy, tổ chức, cơ sở đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về chất lượng, hiệu quả công tác biểu dương, tôn vinh; phát huy tốt vai trò của người có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”. Ông Vàng A Rùa nhấn mạnh.