Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy truyền thống, đi tắt đón đầu, hội nhập và phát triển

Cù Hương - 15:05, 25/10/2022

Ra đời trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, song Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển đã từng bước trở thành kênh thông tin tuyên truyền chủ lực về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên môi trường Internet, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của báo chí hiện đại. Từ những nguồn thông tin phong phú, đa dạng, bổ ích và giàu bản sắc trên Báo đã phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc cả nước nói chung, bạn đọc vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển ra đời – đánh dấu bước phát triển mới trong công tác tuyên truyền, trở thành kênh thông tin bổ ích, thiết thực đối với bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt bạn đọc là đồng bào DTTS.
Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển ra đời – đánh dấu bước phát triển mới trong công tác tuyên truyền, trở thành kênh thông tin bổ ích, thiết thực đối với bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt bạn đọc là đồng bào DTTS.

Nhu cầu tất yếu của thực tiễn

Trong thời đại bùng nổ thông tin, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các phương thức truyền thông truyền thống đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong khi đó, với ưu thế vượt trội về tốc độ thông tin nhanh, đa dạng, chuyên sâu, sức lan tỏa rộng lớn, Báo điện tử đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc; khắc phục được những hạn chế vốn có của báo in và một số loại hình truyền thông khác. Bên cạnh đó, cũng nhờ sự phát triển của công nghệ, bạn đọc có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ từ Internet. Đây là cơ hội và cũng là thách thức trong việc lựa chọn, tiếp nhận thông tin, nhất là đối với các bạn trẻ khi mà các thế lực thù địch cũng lợi dụng triệt để những lợi thế vượt trội trong việc truyền tải thông tin trên môi trường Internet để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình.

Trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra đối với công tác truyền thông trong giai đoạn mới, nhất là việc định hướng để bạn đọc tiếp nhận thông tin chính thống trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; ngày 04/11/2020, Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, đánh dấu bước phát triển mới của Báo trong công tác thông tin, tuyên truyền.

Không ngừng đổi mới

Mặc dù ra đời muộn, nhưng với tư duy “đi tắt đón đầu”, “đổi mới để phát triển” của tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên đã đưa Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển tiến kịp với các tờ báo điện tử khác có thời gian hoạt động hàng chục năm. Với 15 chuyên mục và 34 tiểu mục trên Báo Điện tử, cơ bản bao trùm tất cả các lĩnh vực, cung cấp cho bạn đọc thông tin phong phú, đa dạng, từ các vấn đề thời sự; vấn đề đặc thù của ngành (công tác dân tộc, văn hóa dân tộc) đến các lĩnh vực khác như: Kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật, khoa học - công nghệ, thể thao - giải trí…

Chị Cà Thị Tương, dân tộc Hà Nhì ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết: Tôi thường xuyên đọc Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển, trong đó mục tôi yêu thích và quan tâm là mục Sắc màu 54 và Kinh tế. Qua đây có rất nhiều thông tin giới thiệu bản sắc của đồng bào các dân tộc và những mô hình kinh tế hay để gia đình tôi học tập.

Ngoài các thể loại báo chí truyền thống, hiện nay Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển đang từng bước mở rộng các loại hình báo chí mới, như: Tin video, infographic; trailer, chuyên mục giới thiệu cộng đồng 54 dân tộc anh em, du lịch bốn phương, ẩm thực dân tộc; chương trình điểm tin - đọc báo; tổ chức giao lưu, tọa đàm trực tuyến… Đồng thời tích cực chuyển tải thông tin trên nền tảng mạng xã hội Youtube, Facebook, Fanpage... Qua đó, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc; đồng thời từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển “đa thể loại, đa nền tảng” trên Báo Điện tử.

Nhờ sự đổi mới không ngừng về mặt hình thức, phương thức chuyển tải thông tin và chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc. Hằng năm trung bình với 15 triệu người đọc tiếp nhận thông tin, đã góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vùng DTTS và miền núi; đặc biệt là tuyên truyền về công tác dân tộc, kết quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc đến với đồng bào trên cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế... Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp tại “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao & du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, lần thứ III, năm 2022” tổ chức tại Điện Biên.
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tác nghiệp tại “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao & du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, lần thứ III, năm 2022” tổ chức tại Điện Biên.

Cơ quan truyền thông chủ lực về công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Để đáp ứng yêu cầu về công tác tuyên truyền trong giai đoạn mới, nhất là công tác dân tộc, hiện nay, Báo đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, trong đó có Báo Điện tử.

Theo đó, tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025 đã nêu: “Xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển thành cơ quan truyền thông đủ năng lực đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc và thông tin tuyên truyền hiệu quả, kịp thời về Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.”

Xác định đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề đối với những người làm Báo Dân tộc và Phát triển. Vì vậy, ngoài tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng thể loại báo in, Báo đang tiếp tục xây dựng, phát triển Báo Điện tử theo hướng tích hợp các loại hình truyền thông như: Báo in, phát thanh, truyền hình. Các tác phẩm báo chí có sự kết hợp giữa thiết kế (design), văn bản (text), hình ảnh (image) và các yếu tố âm thanh (audio), video nhằm mang đến cho độc giả những thông tin thực tiễn sinh động, chân thực và chất lượng. Bên cạnh đó, ngoài phiên bản tiếng Việt sẽ có phiên bản tiếng Anh và tiếng DTTS đại diện cho các vùng, miền trong cả nước.

Với định hướng phát triển đó, chúng ta vững tin Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển sẽ trở thành kênh truyền thông chủ lực về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời đây cũng là kênh thông tin quan trọng để đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.