Nhiều xã cơ bản sạch ma túy
Xã Mường Pồn trước khi thực hiện mô hình là xã trọng điểm phức tạp về ma túy loại II ở huyện Ðiện Biên. Toàn xã có 11 thôn, bản, trong đó có 5 bản giáp biên với đường biên giới dài gần 18,5km tiếp giáp với Lào. Tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý là 106 trường hợp; số nghi nghiện ma túy là 20 trường hợp và 144 trường hợp chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Thiếu tá Lò Văn Hải, Trưởng Công an xã Mường Pồn cho biết: Chỉ qua 6 tháng triển khai mô hình, Công an xã đã phát hiện bắt giữ 14 vụ với 15 đối tượng vi phạm về ma túy; đưa 13 trường hợp nghiện đi cai nghiện. Nhiều trường hợp khác cũng đã xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa đi cai. Nhờ đó, Mường Pồn từ một địa bàn trọng điểm phức tạp loại II về ma túy, đến nay đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí sạch về ma túy.
Tại xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đã thành lập 6 tổ an ninh tự quản, 6 đội dân phòng, lắp đặt 6 hòm thư tố giác tội phạm tại các bản. Tổ chức cho người dân ký cam kết không phạm tội, tệ nạn ma túy, không trồng cây chứa chất ma túy; duy trì hiệu quả 6/6 mô hình “Bản an toàn không tệ nạn ma túy” với 30 thành viên đại diện cho 649 hộ gia đình. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã Chà Nưa không xảy ra các vụ việc phạm tội liên quan đến ma túy; không có đường dây, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; không phát sinh thêm người nghiện mới. Chà Nưa đã cơ bản sạch ma túy và đạt 7/8 tiêu chí đề ra.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Điện BIên, tại các xã biên giới thực hiện mô hình “xã biên giới sạch ma túy”, đến nay đã có 5/8 chỉ tiêu đạt được, gồm: 100% xã đã rà soát, xác định các cấp độ trọng điểm về ma túy để tiến hành các biện pháp chuyển hóa, làm sạch. Các xã ưu tiên triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy ít nhất 1 tháng 1 lần tại mỗi thôn, bản và duy trì hiệu quả ít nhất 1 mô hình về phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, trên địa bàn 8 xã không để xảy ra tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy. 100% đối tượng tha tù về địa bàn đều được quan tâm quản lý, giáo dục, hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng; những trường hợp quản lý sau cai, đối tượng nghi nghiện đều có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phù hợp.
Đặc biệt, để giữ vững được các tiêu chí sạch về ma túy là nhiệm vụ không đơn giản. Ðơn cử như xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé đến nay trên địa bàn không có tụ điểm buôn bán ma túy, tệ nạn liên quan đến ma túy giảm tối đa. Tuy nhiên, xã có đường biên giới dài hơn 7,6km tiếp giáp với Lào và có 7 thôn, bản tiếp giáp với các xã khác có tội phạm ma túy hoạt động phức tạp, nên rất dễ bị tác động, xâm nhập. Ðể sạch ma túy, xã Leng Su Sìn đã thành lập và phát huy vai trò mô hình “bản sạch về ma túy”. Mô hình đã huy động sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền và toàn dân triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy.
Tội phạm, tệ nạn ma túy nảy sinh từ nhiều phía, trong đó nguyên nhân sâu xa từ tình hình kinh tế - xã hội, vì vậy các địa phương đã chú trọng hỗ trợ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm hạn chế, tiến tới triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện của tội phạm và tệ nạn ma túy. Theo đó, tại huyện Mường Nhé đã quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bằng hình thức giúp vay vốn hạn mức 40 triệu đồng/hộ; hỗ trợ vật nuôi, giống cây trồng cho các hộ gia đình của 2 xã thực hiện mô hình. Tại huyện Mường Chà đã hỗ trợ 2 xã xây dựng 10 nhà đại đoàn kết và 1 nhà văn hóa; đồng thời mở đường giao thông vào các bản; hỗ trợ 96 téc nước và dây dẫn cho các hộ dân; 281 trường hợp trên địa bàn nhận được tiền bảo trợ xã hội. Huyện Nậm Pồ đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ 128 phần quà cho hộ nghèo xã Phìn Hồ; hỗ trợ xây 1 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, triển khai dự án nước sinh hoạt cho 4 hộ, tạo điều kiện vay vốn chính sách để phát triển kinh tế trên địa bàn xã Chà Nưa. Huyện Ðiện Biên đã thực hiện dự án nước sạch sinh hoạt phân tán, hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất phát triển kinh tế với hạn mức 40 triệu đồng/hộ.
Việc hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, qua đó giúp công tác phòng, chống ma túy hiệu quả cao hơn.
Những chuyển biến tích cực, bền vững.
Hiện toàn tỉnh Điện BIên đã có 8/29 xã biên giới sạch và cơ bản sạch ma túy. Ðể từng bước tạo lập “vành đai biên giới”, vùng an toàn không ma túy, góp phần xây dựng huyện biên giới sạch về ma túy, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Công an tỉnh tiếp tục lựa chọn và nhân rộng mô hình “xã biên giới sạch ma túy” ra các xã biên giới của tỉnh.
Theo thông tin từ CÔng an tỉnh Điện Biên, qua công tác nắm tình hình cho thấy, khi lực lượng chức năng tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy ở địa bàn 8 xã thực hiện mô hình thì các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển dịch địa bàn hoạt động sang xã bên cạnh. Vì vậy để tạo lập “vành đai biên giới” vững chắc, Công an tỉnh đã tiếp tục lựa chọn 13 xã biên giới để nhân rộng thực hiện mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” gồm: Thanh Nưa, Pa Thơm, Na Ư, Mường Lói, Phu Luông (huyện Ðiện Biên); Na Sang (huyện Mường Chà); Nà Hỳ, Vàng Ðán, Nà Bủng, Na Cô Sa, Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) và xã Mường Nhé, Chung Chải (huyện Mường Nhé). Tại 13 xã này hiện có 717 người nghiện ma túy; 9 xã là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy (gồm 3 xã loại I, 1 xã loại II và 5 xã loại III).
Sau khi ra mắt mô hình, 13 xã nhân rộng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, triển khai đồng bộ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Trên địa bàn 13 xã nhân rộng, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 49 vụ, 58 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó đã phá 3 chuyên án, bắt giữ 9 đối tượng, thu giữ 59 bánh hêrôin và 1,5kg thuốc phiện.
Cùng với việc nhân rộng mô hình, để tạo “vành đai biên giới” sạch ma túy, tỉnh Ðiện Biên còn chú trọng phối hợp với các lực lượng trong nước, hợp tác quốc tế, nhất là với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào. Trong đó, trọng tâm là triển khai biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào ký ngày 9/8/2021. Rà soát, tổng kết việc thực hiện các biên bản ghi nhớ, các kế hoạch phối hợp; đề xuất ký kết các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ mới. Tăng cường phối hợp, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với các lực lượng chức năng của Công an các tỉnh Bắc Lào, trọng tâm là hai tỉnh Phoong Sa Ly và Luông Pha Băng; thường xuyên tổ chức giao ban, mở các lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm; phối hợp trao đổi thông tin và điều tra bắt giữ tội phạm ma túy.
Thực hiện biên bản ghi nhớ, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa Công an tỉnh Ðiện Biên và Công an các tỉnh Bắc Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Trong hơn 2 năm, Công an Ðiện Biên và Công an các tỉnh Bắc Lào đã thiết lập được 51 đầu mối đường dây nóng (ở 3 cấp từ tỉnh xuống đến xã); Công an Ðiện Biên đã xây dựng và bàn giao 32 nhà làm việc cho Công an Lào tại các bản giáp biên, tiếp tục đầu tư, xây dựng 8 nhà làm việc cho Công an Lào tại các bản nằm trên tuyến trọng điểm, phức tạp về ma túy. Công an tỉnh Ðiện Biên đã ký 6 biên bản hội đàm với Công an các tỉnh Bắc Lào, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của mỗi bên trong công tác đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới và trên lãnh thổ các bên. Cuối tháng 3/2023, Công an tỉnh Ðiện Biên và Công an các tỉnh Bắc Lào đã tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm để cập nhật, bổ sung các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm ma túy, xây dựng phương án đấu tranh, hướng tới mục tiêu tạo lập “vành đai biên giới” không ma túy.
Nhờ đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm ma túy, nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia đã bị triệt phá. Ðiển hình, đầu tháng 6/2023, tại khu vực bản Nà Lấu, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) và khu vực bản Ca Tâu, xã Xa Dung (Ðiện Biên Ðông), Công an tỉnh Ðiện Biên đã phối hợp với Cục Cảnh sát Ðiều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Công an các tỉnh Bắc Lào phá thành công Chuyên án 423D, triệt xóa toàn bộ đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia từ Lào vào Việt Nam; đã bắt giữ 3 đối tượng và thu giữ 7 bánh heroin (khối lượng khoảng 2,5kg), 6.000 viên ma túy tổng hợp.
Có thể thấy, mô hình “xã biên giới sạch ma túy” được triển khai trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên thời gian qua đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng hộ gia đình, khu dân cư đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Qua đó, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục con em không tham gia vào tệ nạn cũng như phạm tội về ma túy, góp phần to lớn vào việc xây dựng vùng biên giới bình yên, lành mạnh, phát triển bền vững.