Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ GD&ĐT chú trọng, là tập trung đẩy mạnh xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Theo đó, những năm qua, công tác xóa mù đang được triển khai ở nhiều địa phương và mang lại hiệu quả tích cực.
Thu hút nhiều học viên tham gia
Cứ 19 giờ, lớp học chữ ở thôn Pò Riềng và Trường Tiểu học Ba Sơn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn lại sáng ánh điện, các học viên đã có mặt đầy đủ để giờ học bắt đầu. Tiếng đánh vần, đọc chữ, làm toán cộng, trừ, nhân, chia vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng; những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay xòe ra làm các phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn.
Trong số học viên của lớp học, người ít nhất cũng đã hơn 30 tuổi, người nhiều nhất gần 60. Có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có những người từng được đi học nhưng giờ đây đã quên mặt chữ...
Chị Hứa Thị Thu chia sẻ: Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc. Bây giờ tôi có thể đánh vần, đọc được chữ trong sách của con, mẹ con có thể cùng nhau học bài, tôi còn tự viết được tên của mình nữa.
Chị Thu kể, khi biết tin ở xã mở lớp học xóa mù chữ, được cán bộ thôn, cán bộ phụ nữ vận động, chị cùng hơn 20 chị em khác trong thôn Pò Riềng đã đăng ký tham gia.
Cô Hà Thị Thoa - giáo viên Trường Tiểu học Ba Sơn cho biết: Đây là lớp học do UBND xã Xuất Lễ phối hợp với Trường Tiểu học - THCS Ba Sơn và Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức cho hội viên phụ nữ ở các thôn trên địa bàn xã. Chương trình học sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 4, 5, lượng kiến thức phù hợp với nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng.
“Sau gần 2 tháng học tập, đa số học viên của lớp xóa mù chữ đã biết đánh vần, một số chị có thể đọc các đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ với 2 chữ số” cô Hà Thị Thoa thông tin.
Theo bà Dương Thị Tâm, Phó phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc, việc mở các lớp xóa mù chữ, là giải pháp thiết thực để giảm được tỷ lệ người mù chữ, nâng cao trình độ dân trí tại các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Cao Lộc.
Còn tại Điện Biên, với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống nên Điện Biên đặc biệt chú trọng đến công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS. Trong năm 2022, công tác xoá mù chữ ở tỉnh Điện Biên đạt kết quả khá cao, gần 97% kế hoạch đề ra.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2022, các cơ sở giáo dục trên địa bản tỉnh đã mở được 28 lớp xoá mù chữ, với 619 học viên tham gia chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, đạt 96,87% kế hoạch giao.
Theo kế hoạch, năm 2023 các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ mở 54 lớp, với quy mô 1.223 học viên. Hiện đã có một số huyện triển khai mở lớp như: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, với 36 lớp tổng 876 học viên.
Tạo mọi điều kiện cho công tác xóa mù chữ
Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để triển khai hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện, in ấn và cấp phát tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho giáo viên và học viên; tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh về Hướng dẫn dạy học Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1… Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng GD&ĐT về việc ban hành Chương trình xóa mù chữ.
Theo ông Lê Như Xuyên, từ nguồn lực thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, các địa phương cần đẩy mạnh hơn công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; chú trọng mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú... về công tác quản lý, nội dung và phương pháp giáo dục đặc thù.
Nhìn nhận từ tỉnh Lạng Sơn, để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phổ cập xóa mù chữ, tỉnh đã ban hành nhiều chế độ chính sách để khuyến khích giáo viên giảng dạy và các học viên tham gia học lớp xóa mù. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 14 khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Lạng Sơn đã thông qua Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình MTQG 1719. Theo đó, Lạng Sơn đã dành 5 tỷ đồng hỗ trợ công tác xóa mù chữ giai đoạn 2022 - 2025.
Theo nghị quyết, số 27/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lạng Sơn, ngày 10/12/2022, nội dung chi hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ, với mức chi là 1.000.000 đồng/học viên/giai đoạn của chương trình học xóa mù chữ, theo quy định tại Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng GD&ĐT về việc ban hành Chương trình xóa mù chữ. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương và nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đối ứng theo từng năm, để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 của Chương trình MTQG 1719.
Tại Lai Châu, những năm gần đây, ngành GD&ĐT Lai Châu đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Huy động số người mù chữ, tái mù chữ trong các độ tuổi ra học các lớp xóa mù chữ và tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ. Đối với các huyện có xã biên giới, ngành GD&ĐT đã tích cực, chủ động phối hợp với các đồn Biên phòng, Hội Phụ nữ thực hiện tốt công tác xóa mù chữ. Qua đó, chất lượng, hiệu quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được nâng lên và đảm bảo tính bền vững. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các bậc học ngày càng cao, là cơ sở đảm bảo cho các địa phương thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hằng năm.
Đặc biệt triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, Sở GD&ĐT Lai Châu phối hợp với các tổ chức hội, lực lượng Biên phòng để mở lớp dạy xóa mù chữ. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, mở lớp dạy xóa mù chữ cho 5.583 người. Trong đó, năm 2022 mở 80 lớp xóa mù chữ với 1.630 học viên.
Cô Hoàng Thị Bích Huệ, Trường TH&THCS Nùng Nàn, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) chia sẻ: Theo Nghị quyết 57/2022 của HĐND tỉnh Lai Châu, các chế độ chính sách hỗ trợ cụ thể là, trợ cấp 150.000 đồng/tháng/học viên (theo thời gian học thực tế) cùng dụng cụ học tập, sách bút, vở. Đối với thầy cô tham gia giảng dạy sẽ được hỗ trợ 100.000/tiết... "Chính sách này đã tạo điều kiện, hiệu ứng rất tốt đến cả người học và đội ngũ tham gia giảng dạy, qua đó góp phần để huyện hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục, xoá mù", cô Huệ nhìn nhận.
Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập xóa mù chữ vùng đồng bào DTTS, hiện nay, Bộ GD&ĐT còn chủ động tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, tạo điều kiện học tập cho học sinh vùng DTTS và miền núi.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục phản ánh trong bài viết tiếp theo.