Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Phát huy di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đại đoàn kết các dân tộc

Sỹ Hào - 08:01, 09/08/2024

Những ngày này, hàng triệu trái tim người Việt Nam cùng chung niềm thương tiếc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời cõi tạm nhân sinh, về với thế giới Người Hiền. Một trái tim lớn đã ngừng đập; nhưng trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và những trăn trở của người lãnh đạo cao nhất của Đảng dành cho đất nước, cho Nhân dân vẫn khắc sâu trong mỗi người dân đất Việt. Triệu người như một, đều nguyện tiếp tục sứ mệnh của mình, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum năm 2017. Ảnh TL
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum năm 2017. Ảnh TL

Nặng lòng với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

Suốt sự nghiệp chính trị của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, được ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trung tâm; là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt.

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng - người học trò ưu tú của Bác Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Nhân dân khắc ghi lời đúc kết sâu sắc trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa II Trường Đại học Nhân dân Việt Nam” (ngày 08/12/1956) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.

(Trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2023)

Từ quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn, trong các bài viết, bài nói của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm, tư tưởng nhất quán: Dân là gốc. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân. Lấy lợi ích của Nhân dân làm trung tâm, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sự đồng thuận của Nhân dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, từ đó góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, văn minh và vững mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quán triệt quan điểm, nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong thực hiện chính sách dân tộc. Một trong những “hạt nhân” để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta ở cơ sở là đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương và tạo điều kiện để lực lượng quần chúng đặc biệt này phát huy vai trò của mình trong củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại buổi tiếp thân mật đại biểu về dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS tiêu biểu toàn quốc năm 2017 (chiều 18/12), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Kết quả đạt được rất quan trọng; đời sống mọi mặt của đồng bào các DTTS cũng vì thế được nâng lên rõ rệt.

Tuy vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn bày tỏ băn khoăn trước những khó khăn khách quan của đồng bào DTTS, của vùng DTTS và miền núi ở nhiều địa phương. Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân DTTS tiếp tục phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao để đưa vùng DTTS và miền núi phát triển. Để làm được điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào DTTS, cần tiếp tục quán triệt, vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần đại đoàn kết; phải xác định các dân tộc Việt Nam là anh em một nhà; phải luôn đoàn kết, chia bùi sẻ ngọt, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm chân thành, sâu sắc đối với đồng bào DTTS và miền núi. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi đồng bào Mông ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (tháng 9/2011). Ảnh TL
Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm chân thành, sâu sắc đối với đồng bào DTTS và miền núi. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi đồng bào Mông ở xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (tháng 9/2011). Ảnh TL

Trăn trở vì vùng “lõi nghèo”

Trong sự nghiệp chính trị của mình, nhất là trên cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để đi thăm các địa phương vùng DTTS và miền núi. Bởi Tổng Bí thư luôn trăn trở, dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm bố trí nguồn lực nhưng đây vẫn là “lõi nghèo” của cả nước.

Trong hơn 13 năm, trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư đã đến thăm tất cả hầu hết các tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi, từ chuyến đi đầu tiên (tháng 9/2011) về Thanh Hoá đến chuyến đi cuối cùng lên Lạng Sơn tháng 8/2023. Với người dân và chính quyền các địa phương, dấu ấn để lại là sự quan tâm đặc biệt của người lãnh đạo cao nhất của Đảng dành cho vùng “lõi nghèo” của cả nước nói riêng, cho khát vọng một Việt Nam cường thịnh, phồn vinh nói chung.

Ông Lương Văn Quang, nguyên Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhớ như in khoảnh khắc đặc biệt ngày 01/9/2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dừng chân ở bản Khằm 1, để thăm hỏi bà con. “Lúc đó, Tổng Bí thư đã dặn chính quyền địa phương phải cố gắng cùng Nhân dân phấn đấu; mình ở biên giới xa xôi thì nhiều khó khăn, cố gắng vượt khó khăn, làm sao để có cuộc sống đầy đủ cho Nhân dân”, ông Quang nhớ lại.

Còn trong chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên Lạng Sơn (ngày 25/8/2023), lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn sẽ khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư về các vấn đề lớn mà tỉnh phải lưu ý. Đó là kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác cán bộ; coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân;...

Vùng DTTS và miền núi huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm năm 2011 nay đã đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống đồng bào ngày càng được nâng lên. Ảnh TL
Vùng DTTS và miền núi huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm năm 2011 nay đã đổi thay, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống đồng bào ngày càng được nâng lên. Ảnh TL

Đã nhiều lần tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ..., Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (giai đoạn 2016 - 2020 là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc) đã chia sẻ, đến bất cứ đâu, Tổng Bí thư cũng thăm hỏi Nhân dân; trong đó rất quan tâm, dành tình cảm riêng cho đồng bào DTTS và nơi có đông đồng bào tôn giáo sinh sống.

Kế thừa những nhiệm kỳ trước, thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; trong đó Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) riêng nhằm giải quyết những khó khăn cho vùng DTTS và miền núi, cho đồng bào các DTTS.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, nhưng di sản của Tổng Bí thư về đại đoàn kết các dân tộc sẽ tiếp tục là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trên lộ trình đó, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là di sản quý báu để cả hệ thống chính trị, đồng bào các dân tộc nỗ lực hành động, vì sự phát triển bền vững của vùng DTTS và miền núi; trước mắt là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để thúc đẩy đoàn kết các dân tộc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2019 đến 2021, hệ thống các quan điểm, đường lối về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng ta liên tục được hoàn thiện. Trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 2/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Kế thừa quan điểm của các Đại hội trước, được phát triển từ định hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dưới 10.000 người, đặc biệt là những DTTS có nguy cơ suy giảm giống nòi”.


Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.