Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phá vỡ quy hoạch cây trồng, nông dân gánh hệ lụy

PV - 09:26, 26/03/2019

Cùng với hồ tiêu, thời điểm này, bà con nông dân ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang vào vụ thu hoạch điều. Sau nhiều năm thất thu do thời tiết, năm nay các vườn điều cho năng suất cao nhưng giá loại nguyên liệu này giảm mạnh. Điệp khúc “được mùa, mất giá” tiếp tục đặt ra bài toán cho sự phát triển của ngành điều nói riêng và các loại cây công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.

“Vỡ quy hoạch”  cây trồng chủ lực

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích hồ tiêu theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2020 là 8.500ha, tập trung ở một số địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc…; Tuy nhiên, giá hồ tiêu tăng cao trong những năm trước, khiến diện tích loại cây gia vị này tăng ngoài kiểm soát, thời điểm này đã ở mức trên 12.000ha, vượt trên quy hoạch hơn 3.500ha.

Huyện Châu Đức huy động thanh niên, bộ đội và viên chức giúp các hộ khó khăn thu hoạch tiêu. Huyện Châu Đức huy động thanh niên, bộ đội và viên chức giúp các hộ khó khăn thu hoạch tiêu.

Vụ hồ tiêu năm nay, năng suất tương đối khá, nhưng người nông dân chưa kịp vui mừng thì phải đối diện điệp khúc "được mùa, mất giá". Với giá tiêu như hiện nay (khoảng 50 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2018 giảm khoảng 35%), người trồng hồ tiêu lỗ nặng. Việc thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu vào chính vụ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vườn hồ tiêu đang chín rộ nhưng không có người hái. Theo tính toán, hiện nay người trồng hồ tiêu đang bị lỗ từ 3.000-6.000 đồng/kg. Đặc biệt, những hộ mới trồng hồ tiêu vào những năm 2015-2016 lỗ cao hơn bởi thời điểm đó chi phí trồng tiêu rất cao.

Thời điểm này, các hộ nông dân tại các vùng trồng điều trên địa bàn tỉnh như thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức… cũng đang trong vụ thu hoạch. Theo khảo sát, đây là vụ điều có năng suất cao nhất trong vài năm qua. Tuy nhiên, theo nhiều hộ trồng điều, dù năng suất tăng mạnh nhưng lợi nhuận từ hạt điều không tăng. Nguyên nhân là giá loại nguyên liệu này giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Xanh ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho biết, năm ngoái, giá hạt điều ở mức 40-42 ngàn đồng/kg. Năm nay giảm xuống còn 30-32 ngàn đồng/kg.

Nguyên nhân của việc giá loại nguyên liệu này giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu hạt điều thành phẩm gặp khó khăn về đầu ra. Đặc biệt, sản lượng hạt điều nguyên liệu ở một số nước châu Phi, Ấn Độ, Campuchia còn ứ đọng rất lớn. Với tình trạng này, dự báo năm nay giá điều nguyên liệu sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp khoảng 30-35 ngàn đồng/kg cho đến hết vụ.

Tìm giải pháp phát triển bền vững

Như vậy, sau hồ tiêu, cây điều cũng lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá”. Điều này đặt ra bài toán về phát triển bền vững cho các loại cây công nghiệp chủ lực. Các nhà khoa học, chuyên môn đã từng nhiều lần khuyến cáo, hồ tiêu là loại cây kén chọn đất và khá nhạy cảm với thời tiết khí hậu. Nếu trồng không đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc không tốt, cây rất dễ bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Do đó, khi người dân đua nhau mở rộng diện tích nhưng thiếu kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc, thì việc canh tác sẽ khó đạt năng suất, chất lượng cao…

Hiện nay, các cơ quan chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh đang từng bước thực hiện một số biện pháp như: ổn định diện tích, xây dựng nguồn giống tiêu, điều chất lượng cao, tìm ra các loại cây trồng, vật nuôi mới sử dụng quỹ đất, nhân công lao động ít nhưng đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Trí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đơn vị đã xây dựng xong và trình UBND tỉnh Kế hoạch phát triển các vùng trồng trọt sản xuất theo hình thức hữu cơ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2019-2021, trong đó, tiêu, điều là những loại cây trồng trọng điểm. Ông Đức cho biết: Các biện pháp chủ yếu là xây dựng Quy trình sản xuất tiêu, điều theo phương thức hữu cơ; lựa chọn, mời các doanh nghiệp tham gia liên kết cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ công tác thiết kế logo, bao bì, máy đóng gói sản phẩm cho các cơ sở tham gia mô hình; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các quy trình sản xuất, trồng trọt theo hình thức hữu cơ…

BẰNG GIANG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.