Đầu tiên là việc UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ra công văn kêu gọi mỗi công chức trên địa bàn mua 9kg ớt!. Lại thêm một lần giải cứu nông sản.
Phải nói ngay, giải cứu là thể hiện chính quyền địa phương lo lắng, quan tâm tới nông dân, tới sinh kế, nợ nần, tới tương lai của họ. Nhưng đã là công văn, dù là kêu gọi, thì đó là một sự ràng buộc hành chính. Không chỉ với người nông dân, ngay cả với những người được kêu gọi, ớt đã có vị đắng.
Nhưng cái vị “đắng” từ công văn “giải cứu” ớt Cam Lộ chưa thấm tháp gì so với thông tin “nóng” nhất liên quan đến cây ớt vừa được cơ quan có trách nhiệm đưa ra.
Cụ thể là, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phát đi số liệu: Trong số 262 mẫu ớt bột, ớt khô được lấy ngẫu nhiên để xét nghiệm thì có đến 36,25% nhiễm chất có thể gây ung thư (!). Đáng quan ngại là những mẫu ấy có mặt ngay trong các siêu thị, nơi mà người đi mua sắm hằng ngày rất tin tưởng vào độ “sạch” của các loại thực phẩm.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng “trấn an” dư luận, rằng: Chất gây ung thư tên aflatoxin có trong ớt bột, ớt khô là do bảo quản không đảm bảo vệ sinh dẫn đến ớt bị mốc, rồi sinh ra độc tố này, chứ không phải do trộn hóa chất vào ớt.
Từ nhiều năm nay, cây ớt được một số địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung xem là cây xóa nghèo. Cũng như bất cứ một mặt hàng nông sản nào khác, thấy cây ớt cho “quả ngọt” là nông dân cứ đua nhau trồng, mở rộng diện tích; chính quyền địa phương dù có đủ thẩm quyền cũng như trách nhiệm nhưng cũng chỉ dừng ở mức… khuyến cáo.
Thế nên diện tích cây ớt không ngừng mở rộng. Khác với dưa hấu không giải cứu hết chỉ có thể vứt bỏ, ớt quả dư thừa thì đem phơi khô, làm ớt bột. Nhưng vượt sản lượng ngoài quy hoạch nên làm gì có sân phơi.
Bởi vậy, “bến đỗ” của ớt quả là bất cứ chỗ nào có thể phơi được. Ở bất cứ địa phương nào xem cây ớt là cây trồng chủ lực thì sẽ gặp những “bãi” ớt ngày đêm dầm sương dãi nắng; ớt bị mốc nên mới có vị “đắng” như kết luận của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Ớt đắng” là đã rõ ràng. Nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề lớn, cũng rất đắng, dành cho ngành Nông nghiệp.
SỸ HÀO