Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Sự phát triển của đồng bào là thước đo đánh giá hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu

Như Tâm - 11:30, 16/10/2024

Cùng với các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đã và đang tạo điều kiện để các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu giải quyết được những vấn đề thiết yếu cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Trước thềm Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao cờ lưu niệm đến các đội tham gia đua ghe mừng tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2024
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao cờ lưu niệm đến các Đội tham gia đua ghe ngo mừng Tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2024

Thưa ông, đến thời điểm này, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã đi qua hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đặt ra, đặc biệt là trong lĩnh vực thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc?

Qua hơn 2/3 chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh Bạc Liêu đã đạt và vượt 15/21 chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý, tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 66,41 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng (Đến hết năm 2023: Khu vực nông nghiệp chiếm 40,14%, công nghiệp - xây dựng chiếm 19,64% và dịch vụ chiếm 35,27% trong GRDP). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư được 200 dự án. Trong đó: 182 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng; 18 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,7 tỷ USD.

Đặc biệt, nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, chính quyền các cấp luôn quan tâm triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình MTQG dành cho đồng bào. Việc triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách, đã tạo điều kiện thuận để đồng bào yên tâm sản xuất, kinh doanh; tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên phát triển bền vững, ổn định cuộc sống.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Đại hội các DTTS huyện Hoà Bình lần thứ III, năm 2024
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Hoà Bình lần thứ III, năm 2024

Thưa ông, nhìn lại giai đoạn 2019-2024, thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ III, năm 2019, ông đánh giá thế nào về tình hình vùng đồng bào DTTS?

Đồng bào DTTS là bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong sự phát triển chung của tỉnh Bạc Liêu, vì vậy tỉnh luôn chú trọng quan tâm tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III (giai đoạn 2019 – 2024), với sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS của tỉnh ngày càng được nâng cao.

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", từ năm 2021 đến năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phân bổ hơn 118 tỷ đồng để giải quyết cơ bản những vấn đề thiết yếu cấp thiết của đồng bào, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội của đồng bào.

Trong năm 2024, Bạc Liêu đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%. Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh đã thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, cùng với hỗ trợ về giáo dục, y tế và nhà ở,… cho hộ nghèo và cận nghèo của đồng bào DTTS; đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

Từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS của địa phương, theo ông để thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì ?

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”. Do đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã xác định thực hiện đúng tinh thần đó, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, cũng như chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhưng để công tác dân tộc, chính sách dân tộc thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cũng đã xác định một số yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý và triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất: Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, đặc biệt là yêu cầu đối với người lãnh đạo, người đứng đầu phải nắm chặt, rõ và đầy đủ các nội dung cơ bản của công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, bám sát chỉ đạo của Trung ương cũng như của địa phương. Công tác dân tộc không dễ để nắm bắt và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao cũng như các mục tiêu đề ra nếu không quan tâm, không có tinh thần trách nhiệm, không nghiên cứu học hỏi và sự vận linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai: Việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc phải đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, không chạy theo thành tích, chú trọng đến hiệu quả thực chất, lấy đời sống và sự phát triển của đồng bào dân tộc làm thước đo cho việc đánh giá hiệu quả chính sách dân tộc và đánh giá việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu được giao.

Thứ ba: Trong quá trình thực hiện, phải đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá và chỉ đạo kịp thời. Công tác dân tộc, chính sách về dân tộc là quy định chung cả nước nhưng mỗi vùng miền, mỗi tỉnh, mỗi địa phương và thậm chí là từng trường hợp cụ thể sẽ có sự đặc thù, những điểm riêng biệt nên trong quá trình triển khai, thực hiện sẽ có những vấn đề, những vướng mắc phát sinh cần xử lý kịp thời, uyển chuyển, phù hợp thì cần phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của cơ quan, người có thẩm quyền để đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính hiệu quả.

Thứ tư: Phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý, tinh thần phục vụ, cống hiến,… của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc để có thể triển khai, thực hiện cũng như tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiệu quả, có sự ổn định, lâu dài và mang tính kế thừa.

Đồng bào DTTS là bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong sự phát triển chung của tỉnh Bạc Liêu
Đồng bào DTTS là bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong sự phát triển chung của Bạc Liêu

 Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo, trước thềm Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024, UBND tỉnh đã có quan điểm, định hướng chỉ đạo như thế nào đối với các cấp chính quyền cơ sở, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Bạc Liêu cũng đã có định hướng và chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Tiếp tục nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các Chị thị, Nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025, đảm bảo giải ngân trên 95% nguồn vốn thuộc Chương trình trong giai đoạn.

Các ngành, các cấp chủ động tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ đã được giao; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là với Ban Dân tộc và Tôn giáo với vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan giúp việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đến đồng bào dân tộc nói riêng và toàn thể Nhân dân nói chung phải được thực hiện tốt. Đồng bào dân tộc là những người thụ hưởng và cũng là chủ thể quyết định tính hiệu quả của các chính sách về dân tộc; do đó, họ phải nắm được, hiểu được, ủng hộ và đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước và để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

Ban Dân tộc và Tôn giáo với vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối, giúp việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc phải chủ động theo dõi, đôn đốc, nắm bắt thông tin, kết quả thực hiện, các khó khăn vướng mắc, qua đó tổng hợp, báo cáo kịp thời để Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh có sự chỉ đạo, xử lý, hướng dẫn kịp thời và phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.