Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ổn định dân cư để phát triển bền vững: Chấm dứt tình trạng di cư tự phát (Bài 2)

Tùng Nguyên - 17:38, 11/12/2023

Những năm gần đây, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, đã cơ bản giải quyết những vấn đề cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó giúp đồng bào an tâm định canh, định cư. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình hình dân di cư tự phát (DCTP) vẫn chưa chấm dứt, số hộ dân đã di cư cần bố trí ổn định còn rất lớn.

Đời sống sản xuất của người dân Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã ổn định và phát triển. (Trong ảnh: Một góc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé)
Đời sống sản xuất của người dân Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã ổn định và phát triển. (Trong ảnh: Một góc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé)

Di cư tự phát giảm mạnh

Những năm qua, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, đến nay về cơ bản đời sống, tinh thần của đồng bào các DTTS đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt; Nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) của địa phương.

Một minh chứng cho hiệu quả của chính sách dân tộc, là tình hình DCTP đã giảm rõ rệt, nhất là tình hình DCTP vào các tỉnh phía Nam, chủ yếu là vào địa bàn Tây Nguyên. Số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 22/NQ-CP và triển khai Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg tổ chức ngày 28/11/2022 cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2019, có khoảng 67 nghìn hộ di cư tự do gây ra những hệ lụy rất lớn.

“Tình trạng di cư tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy về KT – XH, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, phát sinh một số điểm nóng về an ninh chính trị, nhiều vụ khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài và tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân DCTP đến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên”, Bộ NN&PTNT khẳng định.

Tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân DCTD đến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. (Trong ảnh: đất lâm nghiệp và rừng bị dân DCTD lấn chiếm, sinh sống, sản xuất tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông)
Tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân DCTP đến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. (Trong ảnh: đất lâm nghiệp và rừng bị dân DCTP lấn chiếm, sinh sống, sản xuất tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông)

Từ hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng DCTP từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đã giảm mạnh. Nếu như năm 2005 có 2.690 hộ, thì từ sau năm 2020 trở đi, số hộ DCTP mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới trăm hộ (năm 2020 có 43 hộ, năm 2021 có 127 hộ và 9 tháng đầu năm 2022 có 22 hộ).

Tình hình DCTP của người dân trong cùng một tỉnh, một vùng cũng không còn tạo nên những “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đơn cử tại huyện Mường Nhé của tỉnh Điên Biên, năm 2011, hàng nghìn hộ dân từ các địa phương khác nhau ở các tỉnh miền núi phía Bắc nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu đã kéo về làm mất trật tự an ninh xã hội. Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, huyện Mường Nhé đã bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 12 nghìn hộ, với gần 67 nghìn nhân khẩu tại 172 điểm bản và nhóm dân cư; đời sống sản xuất của người dân Mường Nhé đã ổn định và phát triển.

Thúc đẩy tiến độ ổn định dân cư

Cùng với nỗ lực hạn chế tình trạng DCTP thì Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt triển khai công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những địa bàn có nhiều dân DCTP. Theo báo cáo cuả Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2020, cả nước đã sắp xếp, bố trí ổn định được cho 42.200 hộ. Tuy nhiên, hiện số hộ chưa được bố trí ổn định còn rất lớn.

Số liệu được Bộ NN&PTNT đưa ra tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 22/NQ-CP và triển khai Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg tổ chức ngày 28/11/2022 cho thấy, cả nước còn 16.983 hộ DCTP đang ở phân tán tại các địa phương, cần được sắp xếp, bố trí ổn định theo quy hoạch. Đó là chưa kể, còn có 17.400 hộ DCTD tại các địa bàn đặc biệt khó khăn cần được bố trí ổn định từ Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Nhiều địa phương có dân DCTD nhiều đang có tỷ lệ nghèo cao hơn rất nhiều so với bình quân chung. (Trong ảnh: Mộc góc làng của người DCTD ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk)
Nhiều địa phương có dân DCTP nhiều đang có tỷ lệ nghèo cao hơn rất nhiều so với bình quân chung. (Trong ảnh: Mộc góc làng của người dân DCTP ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk)

Ngày 1/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân DCTP và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân DCTP; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã DCTP vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân DCTP đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân DCTP.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP, các tỉnh đã quyết tâm và bố trí nguồn vốn thực hiện hoàn thành và kết thúc 41 dự án sắp xếp, bố trí dân cư, với tổng số hộ được bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư là 8.298 hộ. Các địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án dở dang, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 (gồm 32 dự án, với mục tiêu cần tiếp tục bố trí ổn định cho 4.246 hộ) và các dự án mới thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 (9 dự án, với mục tiêu bố trí ổn định cho 1.788 hộ).

Cùng với việc đẩy tiến độ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, thì các địa phương cũng đang quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH ở các vùng bố trí dân DCTP. Bởi thực tế, tại các địa phương có dân DCTP nhiều đang có tỷ lệ nghèo cao hơn rất nhiều so với bình quân chung. Đơn cử, năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo là 27,33% thì huyện Mường Nhé là 59,92%; tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đăk Lăk là 6,34% thì huyện Ea Súp là 23,73%; tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Lâm Đồng là 0,99% thì của huyện Đam Rông là 7,73%; …

Theo Quyết định số 125/QĐ-LĐTBXH ngày 22/2/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 của các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đều giảm so với năm 2020. Trong đó, Sơn La giảm 3,28% (từ 18,38% xuống còn 15,1%); Điện Biên giảm 2,64% (từ 29,97%, xuống còn 27,33%); Đăk Lăk giảm 1,57% (từ 7,91% xuống còn 6,34%); Đăk Nông giảm 1,8% (từ 6,98% xuống còn 5,18%); …

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.