Ông Hà Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho biết, trong những giải pháp phát triển kinh tế hộ, địa phương rất chú ý đến cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương. Trong đó, giống vịt Cổ Lũng (còn gọi là vịt Mường khoòng) được người dân trong vùng ưa tiêu dùng. Bởi giống vịt này có đặc điểm xương nhỏ, thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm rất được nhiều người ưa chuộng nên đầu ra và giá bán luôn có lãi cao.
“Thu nhập từ giống vịt này đã giúp nhiều hộ nghèo giải quyết trình trạng đói mỗi mùa giáp hạt do vậy, nhiều hộ đồng bào trong xã, trong huyện đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng để xóa đói giảm ghèo”, ông Luyến cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước, việc nuôi vịt Cổ Lũng trong các hộ dân còn nhỏ lẻ, kỹ thuật hạn chế và lai tạo nhiều khiến loài vịt này đang dần mất đi nguồn gen. Để duy trì được giống tốt, trở thành vật nuôi có giá trị kinh tế ổn định, năm 2012, huyện Bá Thước đã xây dựng và triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ để phục hồi và phát triển vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước”. Mục tiêu của dự án, giúp người dân biết cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, hạn chế dịch bệnh.
Bước đầu, Ban quản lý dự án của huyện đã chọn ra được 67 hộ dân ở các xã Lũng Niêm, Cổ Lũng để tham gia mô hình, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 120 vịt con để chăn nuôi. Ngoài ra, Dự án còn trang bị máy ấp, máy nở, máy phát điện dự phòng cho nhóm hộ quản lý, vận hành máy ấp trứng; các hộ dân tham gia được thực hiện theo sự chỉ dẫn của cán bộ dự án.
Chỉ sau hai năm triển khai dự án, đã có rất nhiều hộ thực hiện thành công theo mô hình, một số hộ đã vươn lên làm giàu, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như hộ anh Hà Văn Hoành, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm.
Anh Hoành cho biết, từ khi có dự án tài trợ, mỗi năm đàn vịt đã cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây là một thành công ngoài sự mong đợi của những hộ nghèo và con vịt đã thực sự giúp mình và bà con trong xã thoát nghèo.
Từ thành công đó, anh Hoành đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng, chuyên cấp trứng vịt giống tốt cho người dân nuôi. Khi vịt lớn, anh thu mua lại của người dân để bán ra thị trường. Hiện anh đang sở hữu 2 máy ấp trứng vịt có công suất 5.000 trứng/máy với thu nhập hằng năm đạt khoảng 300 triệu đồng.
Cùng tham gia dự án có ông Hà Trọng Quỳnh, thôn Lọng, xã Cổ Lũng hiện đang nuôi khoảng 200 con vịt đẻ trứng và chuyên bán cho các đơn vị trong, ngoài tỉnh, đem lại mức thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước, Trưởng Ban dự án cho biết: Sau khi 67 hộ tham gia dự án tổ chức thành công mô hình nuôi vịt, có thu nhập ổn định, nên nhiều hộ nông dân trong vùng đã chủ động lựa chọn vịt Cổ Lũng là vật nuôi.
Từ những tín hiệu khả quan về lựa chọn giống vật nuôi hiệu quả, cải thiện nguồn thu, huyện đã triển khai nhân rộng mô hình trên toàn huyện. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để phát triển nhanh số lượng vịt, phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng và bảo tồn được con giống.
Huyện Bá Thước đã có chủ trương thực hiện thêm 2 đề tài, dự án mới gồm: Quản lý và phát triển nguồn gen vịt Cổ Lũng và Xây dựng quản lý, chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng; đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận thương hiệu cho vịt Cổ Lũng.
QUỲNH TRÂM