Với mục đích quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa, bồi đắp thêm niềm tự hào cho thế hệ trẻ, từ năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, tổ chức chương trình “Em làm nhà khảo cổ” nhằm tạo điều kiện để các học sinh thăm quan di sản, tìm hiểu kiến thức và trải nghiệm những hoạt động tương tác thực tế ở “Góc khám phá”. Những trò chơi thú vị đã cho học sinh hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đây là cách vừa chơi, vừa học, tạo sự hào hứng và phù hợp với lứa tuổi để các em đến với di sản và thêm yêu Thăng Long-Hà Nội. Chương trình thu hút gần 1.000 lượt học sinh tham gia, năm 2017 có 1.300 lượt học sinh; từ tháng 4/2018 đến nay đã có hơn 600 lượt học sinh tham gia.
Hay tại Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam, nhằm góp phần đưa nghệ thuật truyền thống tới gần với các em nhỏ, Bảo tàng đã phối hợp với làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng và các đơn vị tổ chức chương trình “Cùng bé sáng tạo khám phá tranh dân gian Kim Hoàng” tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội trong các ngày cuối tuần từ 15-17/6 vừa qua. Tại chương trình, các em nhỏ được thăm quan triển lãm các tác phẩm tranh dân gian Kim Hoàng đã được phục dựng theo mẫu cổ và xem các nghệ nhân dân gian làng Kim Hoàng trình diễn kỹ thuật in và vẽ tranh. Đồng thời, các em được trải nghiệm cách in tranh, vẽ tranh trên quạt giấy, vẽ trên túi giấy, vẽ mặt nạ truyền thống... cùng với nghệ nhân Kim Hoàng.
Cũng trong dịp hè này, một trong những hoạt động tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi, đồng thời mang tính giáo dục văn hóa truyền thống cho các em là hoạt động “Sĩ tử nhí-Chắp cánh ước mơ” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức, diễn ra từ ngày 1/6 đến 20/8. Hoạt động là cách tiếp cận mới trong phương pháp giáo dục di sản cho giới trẻ, không khô khan, cứng nhắc mà rất linh hoạt, sinh động. Với phương pháp này, học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ những bài giới thiệu, mà còn được trải nghiệm, tương tác, tìm hiểu về di sản.
Đến với không gian của “Sĩ tử nhí-Chắp cánh ước mơ”, các em vừa được trải nghiệm truyền thống nhưng cũng được thỏa sức sáng tạo, chơi mà học, từ làm giấy dó, sáng tác truyện, vẽ tranh, học làm gốm đến chế tác điêu khắc, học nấu ăn, thả đèn chữ… Bên cạnh đó, các em thiếu nhi còn có cơ hội thể hiện sự hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa qua trò chơi “Lều chõng”. Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều hoạt động lý thú khác như học nghề làm gốm, chế tác diều, học nấu ăn, thả đèn chữ, trình diễn nghệ thuật thư pháp… Mỗi hoạt động gắn với trò chơi, cuộc thi, hoạt động thực tế, nhằm làm tăng sự hứng khởi. Như với cuộc thi chế tác diều, các sản phẩm đoạt giải sẽ được trao bằng xác nhận của Trung tâm Bảo tồn Diều Việt Nam, được gửi đi trưng bày và tham gia cuộc thi diều quốc tế.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám chia sẻ, dù là giáo dục di sản hay làm du lịch, muốn thành công thì phải xác định rõ chủ thể mà hoạt động hướng tới. Việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm để cuộc chơi thêm hấp dẫn, không trùng lặp, có tính tương tác cao nhằm tạo cầu nối giữa truyền thống và hiện đại để qua đó, tình yêu các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được nuôi dưỡng trong giới trẻ.
Hy vọng với phương thức giáo dục này sẽ góp phần giúp các học sinh có nhận thức tốt hơn, hiểu biết hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tình yêu với di sản sẽ được nhân lên và qua đó cũng góp phần hình thành nhân cách cho các em học sinh.
Hồng Minh