Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, sóng thầnđã đến nước này đêm 15 rạng ngày 16/1, vài giờ sau vụ phun trào núi lửa lớn ở Tonga.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết sóng thần cao 1,2 mét tràn vào các đảo Amami Oshima và Tokara ở phía nam vào khoảng 23h55 ngày 15/1 (21h55 giờ Hà Nội) và cảnh báo có thể xuất hiện sóng thần cao tới 3 mét ở những khu vực này.
Sóng dưới 1 mét sau đó được báo cáo tại một số khu vực dọc bờ biển, từ Hokkaido đến Okinawa, cũng như các khu vực phía tây nam Kochi và Wakayama. Khuyến cáo sóng thần được ban bố cho các vùng duyên hải khác, người dân được yêu cầu tránh xa bãi biển và cửa sông.
Đài Truyền hình quốc gia NHK (Nhật Bản) chuyển sang chương trình đặc biệt và phát sóng cảnh quay trực tiếp từ các cảng ở các khu vực bị ảnh hưởng, kêu gọi cư dân sơ tán đến vùng đất cao hơn. Tuy nhiên, cảnh quay không cho thấy dấu hiệu bất thường rõ ràng.
Một quan chức cơ quan thời tiết trước đó nói trong cuộc họp báo trên truyền hình lúc nửa đêm rằng cơ quan khí tượng đã phát hiện sự thay đổi thủy triều cao hơn một mét sau 23h. Họ không lập tức phân loại là sóng thần, nhưng quyết định kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần công cộng để thúc giục người dân Amami sơ tán.
Trước đó, ngày 14 và 15/1, một ngọn núi lửa dưới nước Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tại quốc đảo Tonga đã phun trào, kích hoạt cảnh báo sóng thần và ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp trên bờ biển của Tonga cũng như một số hòn đảo Nam Thái Bình Dương. Cảnh quay trên mạng xã hội cho thấy sóng ập vào các ngôi nhà ven biển.
Đường dây internet và điện thoại bị đứt vào khoảng 18 giờ 40 phút giờ địa phương vào ngày 15/1, khiến 105.000 cư dân trên đảo Tonga hầu như không thể liên lạc được. Các nhóm nhân đạo đã phải vật lộn để thiết lập liên lạc với Tonga.
Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai đã phun trào thường xuyên trong vài thập kỷ qua, nhưng vụ phun trào lần này lớn đến nỗi cư dân ở những vùng xa xôi của Fiji và New Zealand cũng nghe thấy.
Các hình ảnh vệ tinh đã chụp được vụ phun trào núi lửa hôm 15/1 khi khói bốc lên không trung cao hơn mực nước biển khoảng 12km. Bầu trời ở Tonga tối sầm lại bởi tro bụi.
Các vụ phun trào đã kích hoạt cảnh báo sóng thần trên khắp Thái Bình Dương. Các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Fiji... đã ban bố cảnh báo sóng thần. Mỹ và Nhật Bản kêu gọi người dân trên các bờ biển Thái Bình Dương tránh xa các bờ biển.
Australia đã ban hành cảnh báo sóng thần trên biển cho các bờ biển New South Wales, đảo Lord Howe và đảo Norfolk, đồng thời cho biết các bãi biển địa phương dọc theo bờ biển của bang đã bị đóng cửa.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) kích hoạt cảnh báo sóng thần và phát đi những bản tin liên quan, đồng thời hối thúc các cư dân di chuyển đến những nơi cao hơn.
Theo JMA, một trận sóng thần cao 3m có thể ập vào một số hòn đảo nằm ở khu vực Tây Nam của Nhật Bản, trong đó có đảo Amami, và một trận sóng thần cao 1,2m đã được quan sát thấy ở thành phố Amami ngay trước nửa đêm 15/1.
JMA cho rằng một trận sóng thần cao khoảng 1m có thể đã ập vào các khu vực thuộc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về thương vong hoặc thiệt hại về tài sản do trận sóng thần gây ra.
Chính phủ New Zealand ngày 15/1 đã khuyến cáo người dân cẩn trọng trước nguy cơ sóng thần và thông báo giúp đỡ người dân Tonga.
Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand cho biết trong một tuyên bố trên Instagram: “Những hình ảnh về vụ phun trào núi lửa gần Tonga rất đáng lo ngại. Kết nối liên lạc gặp nhiều khó khăn, nhưng lực lượng quốc phòng và Bộ Ngoại giao của chúng tôi đang làm việc để xác định những biện pháp ứng cứu".
Bộ Ngoại giao New Zealand cho biết chưa có báo cáo về số người bị thương hoặc tử vong nhưng thông tin liên lạc bị hạn chế.
Văn phòng Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Suva, Fiji cho biết họ đang theo dõi tình hình và không có thông tin cập nhật về thiệt hại hoặc thương vong.