Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nữ sinh Lò Thị Xuân Hoa - Niềm tự hào của bản làng, dòng họ

Hà Minh Hưng - 15:39, 21/12/2022

Lò Thị Xuân Hoa là là cái tên được các thầy cô giáo ở Nậm Tăm vẫn thường nhắc tới. Từ nhỏ, Hoa là tấm gương sáng trong học tập, là niềm tự hào của dòng họ Lò khu vực vùng Sìn Hồ. Tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2022, Hoa là một trong 142 gương mặt tiêu biểu được vinh danh.

Lò Thị Xuân Hoa trong trang phục truyền thống dân tộc Lự, xã Nậm Tâm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Lò Thị Xuân Hoa trong trang phục truyền thống dân tộc Lự

Lò Thị Xuân Hoa (dân tộc Lự) sinh ra và lớn lên tại bản Nà Tăm 2, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Hiện, Hoa đang là sinh viên năm nhất ngành Công nghệ Thông tin- Học viện Kỹ thuật Mật mã Hà Nội. Hoa là một trong 2 nữ sinh được được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đề cử vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu toàn quốc năm 2022 vào ngày 10/12.

Để có thành tích học tập như ngày hôm nay, Hoa vẫn luôn tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình mình. Gia đình em có bố làm công chức xã, anh trai đang theo học Trường Sĩ quan Chính trị, còn lại các thành viên trong gia đình ai cũng tốt nghiệp THCS trở lên. Nhưng người mà từ nhỏ đến nay Hoa luôn thần tượng và khâm phục không ai khác là ông nội mình-ông Lò Văn Ón. Chưa khi nào em quên những câu chuyện ông kể về quá trình chinh phục “con chữ”. Nghe Hoa kể, ông nội Lò Văn Ón được bà con Nậm Tăm kính nể lắm, họ trọng vọng gọi ông là “bố”. Chẳng thế mà chuyện to, chuyện nhỏ trong bản, ngoài mường, hễ có việc gì liên quan đến chữ nghĩa, văn bản, các chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo thì bà con lại tìm đến nhờ ông phân giải. Người Lự nơi này vẫn bảo “Nậm Tăm mình chỉ có “bố” Ón là nhiều chữ nhất thôi!”.

Hoa vẫn nhớ chi tiết mà ông nội vẫn thường kể cho cả nhà khi có dịp quây quần. Ông Lò Văn Ón từng là lính ở chiến trường C, năm 1975, ông Ón cùng đồng đội hành quân sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Khi nghỉ ngơi, thấy đồng đội mang thư từ, sách báo ra đọc cười rúc ríc, ông thấy mà tủi thân. Thấy ông cứ buồn buồn không nói, khi anh em gặng hỏi, ông thành thật: “Mình đang theo học lớp hai thì nhập ngũ, nhiều cái chữ chưa thạo, nên…”.

Được đồng đội động viên, không nản chí, cứ khi nào buông tay súng, ông lại mang giấy bút ra nhờ anh em chỉ dạy. Vốn chăm học, không ngại khó, sau một năm, ông đã đọc thông viết thạo. Sau này, phục viên về địa phương, ông Ón tiếp tục theo học các lớp phổ cập giáo dục và hoàn thiện đến bậc THCS. Mỗi khi có dịp con cháu sum vầy, ông lại mang giấy chứng nhận về trình độ văn hoá ra ngắm, rồi kể câu chuyện học chữ, quá trình tự học của mình như là để nhắc nhở mọi người trong nhà không được sao nhãng việc học tập.

Lò Thị Xuân Hoa (thứ 2 từ trái sang) sinh viên năm nhất, ngành Công nghệ thông tin, Học viện Mật mã Hà Nội.
Lò Thị Xuân Hoa (thứ 2 từ trái sang) sinh viên năm nhất, ngành Công nghệ thông tin, Học viện Mật mã Hà Nội.

Lớn lên, hình ảnh người ông luôn theo Hoa suốt con đường học tập. Vậy nên trong tâm khảm Hoa luôn thôi thúc phải học thật giỏi để ông vui, để bản làng không chê, không cười, không hổ danh mang tiếng là cháu “bố” Lò Văn Ón. Niềm đam mê và sự nỗ lực của Hoa đã giúp em có một thành tích học tập đáng nể. 12 năm liên tục Hoa là học sinh giỏi, điểm trung bình năm lớp 10, 11, 12 lần lượt là 8,4; 8,6; 8,4. Năm lớp 8, Hoa đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Sinh học, lớp 9 đạt giải Tư môn Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Kết quả thi tốt nghiệp THPT, Lò Thị Xuân Hoa có tổng điểm 50,7 điểm; 26,7 là số điểm Hoa đạt để xét vào Đại học.

“Từ nhỏ, em được ông nội chỉ dạy cần quý trọng thời gian, học mọi lúc, mọi nơi, vì những kiến thức thầy cô dạy về nhà mà không ôn, không học lại, thì nó tuột khỏi đầu rất nhanh. Bởi thế, em đã lập trình cho mình một kinh nghiệm, tiếp thu được là học liền, không phải cứ ngồi vào bàn mở sách mới là học. Ví như đi lên nương phụ giúp gia đình, ta có thể tổng quát lại những ý chính thầy cô dạy rồi lầm nhẩm nhắc đi nhắc lại, phải luôn tạo thói quen nhắc lại chủ đề ấy nhiều lần trong đầu. Những điều chưa hiểu, nên hỏi nhiều người để có sự so sánh, cuối cùng sẽ hỏi thầy….”, Lò Thị Xuân Hoa chia sẻ kinh nghiệm để học tốt.

Thầy Bùi Văn Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) cho biết: Học sinh Trường THPT Nậm Tăm phần lớn là con em đồng bào Mông, Lự, Thái, Dao, Khơ Mú trên địa bàn 9 xã vùng thấp huyện Sìn Hồ. Thực sự là khá lâu rồi, nhà trường mới có một học sinh toàn diện như Hoa. Không chỉ có thành tích học tập ấn tượng, Hoa còn tham gia tích cực trong các hoạt động bề nổi của trường. Với vai trò Phó Bí thư Đoàn trường, em là hạt nhân trong các hoạt động đoàn thể, là sự gắn kết phong trào học tập của các em học sinh nơi đây. Năm học lớp 11, Lò Thị Xuân Hoa được Tỉnh đoàn Lai Châu trao tặng danh hiệu “Học sinh 3 tốt”.

Nữ sinh Lò Thị Xuân Hoa cùng Đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc tham quan Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám (12/2022)
Nữ sinh Lò Thị Xuân Hoa cùng Đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc tham quan Di tích Văn miếu Quốc Tử Giám (12/2022)

Khi được hỏi điều gì khiến em chọn ngành công nghệ thông tin, Hoa chia sẻ: “Năm lớp 8, lớp em được tiếp cận môn Tin học do thầy Toàn phụ trách. Đó là lứa học sinh đầu tiên ở bản được sờ, ngắm cái máy tính thật ngay trước mắt, cảm giác hồi hộp lạ lẫm lắm. Thời đó ở bản em, nhà nào khá giả mới có cái điện thoại di động, nhiều nhà chưa có ti vi để xem, lần đầu tiên em được biết đến thuật ngữ “Mycomputer, google, Word, Power point…”, một chân trời thế giới công nghệ tràn về trí tưởng tượng của em. Buổi tối đi ngủ cứ nhắm mắt lại là những cụm từ “quản trị mạng, lập trình viên, kỹ sư công nghệ…” lại hiện lên trong đầu. Từ đó em xác định, sau này sẽ theo học ngành Công nghệ thông tin. Nếu có cơ hội, để ứng dụng và phát triển những kiến thức được học, nơi đầu tiên em chọn khởi nghiệp sẽ là Lai Châu quê hương mình”. 

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.