Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nữ doanh nhân người Hoa Hà Ngọc Quỳnh: "Say" chè để làm nên sự nghiệp từ chè

Nghĩa Hiệp - 21:13, 22/07/2021

Bà Hà Ngọc Quỳnh, dân tộc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh, đã dành cả cuộc đời gắn bó với vùng chè của huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Bà là người phụ nữ bình dị, có tư duy nhạy bén và có nhiều hành động ý nghĩa vì cộng đồng. Mọi người có thể “say” chè khi uống, còn với bà Quỳnh thì “say” chè khi chế biến và nhìn thấy cây chè góp phần đổi thay vùng đất khó khăn này.


Bà Hà Ngọc Quỳnh, nữ doanh nhân cả đời gắn bó với vùng chè huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh
Bà Hà Ngọc Quỳnh, nữ doanh nhân cả đời gắn bó với vùng chè huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh

Làm sống lại vùng chè Hải Hà

Đã bước qua tuổi 60, nhưng đôi tay bà Hà Ngọc Quỳnh vẫn thoăn thoắt trong mọi công đoạn thu hoạch và chế biến chè. Đặc biệt, khi hướng dẫn những thành viên mới, giọng bà vẫn sang sảng vang khắp cả đồi chè rộng lớn. 

Hãm ấm chè mời khách từ mẻ chè vừa mới chế biến xong, bà Quỳnh tâm sự: “Tôi thành lập công ty chè đã gần 20 năm. Tôi không nhớ, từ năm nào tôi bắt đầu gắn bó với cây chè nữa, chỉ nhớ ngày ấy tôi vẫn còn son trẻ”.

Theo bà Quỳnh và một số người cao tuổi của huyện Hải Hà kể lại, những năm 1990 - 2000, tại huyện Hải Hà có vùng chè Đường Hoa (tên xưa là chè móc câu), là nơi cung cấp chè cho các tỉnh vùng Đông Bắc. Thế nhưng, đầu những năm 2000, vùng chè này và các Hợp tác xã trồng chè có nguy cơ bị xóa sổ, do giá chè xuống thấp. 

Cũng chính từ biến cố này, mà cái tên Hà Ngọc Quỳnh được nhiều người biết đến. Khi đó, bà Quỳnh đã dám đứng lên đầu tư, giữ lại vùng chè nguyên liệu và giúp hàng trăm hộ dân thoát khỏi cảnh lao đao vì cây chè.

Bà Quỳnh chia sẻ: “Tôi yêu chè lắm, cảm thấy nếu như mất đi vùng chè này, bỏ nghề, bỏ quê đi nơi khác tôi không còn là chính mình nữa, hơn hết tôi tin vào giá trị của cây chè trong tương lai. Chính vì thế, tôi đã đến từng nhà để thuyết phục các hộ dân, giữ lại toàn bộ diện tích chè đang có nguy cơ bị chặt bỏ, để giữ lại nghề chè và có việc làm ổn định. Sau đó, tôi vay mượn tiền để xây dựng nhà xưởng, thành lập công ty và tìm kiếm thị trường tiêu thụ chè khô để có đầu ra ổn định, giúp bà con an tâm giữ cây chè”.

Ban đầu, bà Quỳnh chỉ dám tìm kiếm các thị trường trong nước, sau dần dần có bạn bè giúp đỡ mách bảo, cấp ủy, chính quyền hỗ trợ cơ chế, chính sách để bà Quỳnh xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan và một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng như bao doanh nghiệp lần đầu đi ra 'biển lớn', bà Quỳnh cũng có những lúc thất bại. 

“Có lần tôi phải đổ đi cả máy chục tấn chè vì không đạt tiêu chuẩn, mà vận chuyển về thì càng lỗ hơn. Nhưng sau những lần ấy, tôi đã tìm ra cách để khẳng định sản phẩm, thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế”, bà Quỳnh chia sẻ.

Bà Hà Ngọc Quỳnh và các sản phẩm chè
Bà Hà Ngọc Quỳnh và các sản phẩm chè

 Đi ra "biển lớn"

Nhằm mở rộng các sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các đối tượng, thị trường khác nhau, từ vị trí khâu trung gian, chuyên đi thu mua rồi mang bán, bà Quỳnh chuyển sang nghề sản xuất, chế biến chè. Cũng từ lúc này, bà bắt đầu “say” những vị chè mới, nên bà đã dày công nghiên cứu các giống chè, cách thức chăm sóc, thu hái cũng như chế biến để cho ra thị trường được sản phẩm tốt nhất. 

Ban đầu bà Quỳnh thử nghiệm trồng 10ha một số giống chè, bà Quỳnh nhận thấy giống chè Ngọc Thuý là phù hợp và cho năng suất, chất lượng cao. Vì thế, bà đã tiến hành ươm giống, vận động và hỗ trợ các hộ trên địa bàn huyện Hải Hà, chuyển đổi giống chè Ngọc Thúy đến 100 ha vào năm 2014 - 2015.

Hiện nay, diện tích chè huyện Hải Hà đã phát triển lên gần 1.000ha, trở thành một địa phương có vựa chè lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với các giống chè: Kim Tiên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Ô Long, Tuyết San, PH 10 và chè cành. Mỗi năm, Công ty TNHH Thuấn Quỳnh đã sản xuất chế biến và xuất khẩu trên 400 tấn chè, cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm. 

Đây cũng là điều kiện để Công ty bao tiêu toàn bộ nguyên liệu chè cho bà con nông dân. Cũng nhờ vậy, hàng ngàn hộ nông dân trồng chè trên địa bàn huyện đã tìm được chỗ dựa vững chắc, thu nhập ổn định từ cây chè.

Anh Chíu Hùng Mạnh, người dân trồng chè thôn 1, xã Quảng Chính (huyện Hải Hà), cho biết: “Có những lúc giá chè xuống thấp, chè không xuất khẩu được do dịch bệnh, nhưng Công ty TNHH Thuấn Quỳnh vẫn duy trì sản xuất, bao tiêu nguyên liệu cho bà con. Giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, hỗ trợ giá, vì thế người dân yên tâm sản xuất, phát triển nghề trồng chè. Bình quân mỗi năm, các hộ gia đình trồng chè tại Hải Hà có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng”.

50% lao động tại Công ty TNHH Thuấn Quỳnh là người dân tộc thiếu số tại địa bàn và các huyện lân cận, có thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng
50% lao động tại Công ty TNHH Thuấn Quỳnh là người dân tộc thiếu số tại địa bàn và các huyện lân cận, có thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng

Bên cạnh việc duy trì, phát triển, xây dựng thương hiệu chè Hải Hà, trong những năm gần đây, bà Quỳnh còn tận dụng không gian xanh của các đồi chè để phát triển du lịch trải nghiệm, hằng năm thu hút vài trăm lượt khách. Hoạt đông cua Công ty TNHH Thuấn Quỳnh đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 100 công nhân, trong đó có đến 50% số công nhân là người DTTS, với thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bà còn hỗ trợ 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường… cùng nhiều hoạt động từ thiện khác giúp người dân thay đổi cuộc sống. 

“Nhờ có cây chè, tôi giúp đỡ được nhiều người khó khăn vươn lên thoát nghèo. Thử hỏi giống cây làm mình mê mẩn, làm thay đổi cả vùng đất thì không say làm sao được. Cũng chính vì say mà đời tôi đã gắn bó  với cây chè của vùng đất này”, bà Quỳnh nói.

Với những đóng góp cho địa phương và cộng đồng, bà Quỳnh đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen, bằng ghi nhận tấm lòng vàng của các cấp. Bà đã 2 lần là đại biểu điển hình tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam (lần thứ I năm 2010; lần thứ II năm 2020), được tổ chức tại Hà Nội.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.