Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nữ cán bộ người Phù Lá được bà con tin yêu

PV - 08:58, 19/06/2018

Là người con của dân tộc Phù Lá ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, trải qua nhiều vị trí công tác, chị Sùng Phà Sủi (SN 1964) là người luôn tìm tòi những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, giúp người dân trong xã cải thiện cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, khi lập gia đình, chị Sùng Phà Sủi theo chồng về sống tại Tống Thượng - thôn vùng cao khó khăn nhất trong các thôn của xã Nậm Đét, cũng là thôn duy nhất của xã có đồng bào Phù Lá sinh sống. Làm dâu ở Tống Thượng được một năm, năm 1985, chị Sủi được bầu làm Trưởng thôn.

Sự tin tưởng của bà con dân tộc Phù Lá là động lực lớn nhất để chị Sùng Phà Sủi gắn bó với công việc. Sự tin tưởng của bà con dân tộc Phù Lá là động lực lớn nhất để chị Sùng Phà Sủi gắn bó với công việc.

 

Chị Sùng Phà Sủi nhớ lại: “Hồi đó, thôn Tống Thượng có 39 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp, đất đai còn chưa được cải tạo nhiều. Là Trưởng thôn, khi bắt tay vào làm việc tôi nghĩ phải làm gì đó giúp người dân Tống Thượng thoát nghèo. Gia đình tôi đã mạnh dạn đi đầu đưa giống lúa mới vào diện tích gieo cấy. Gặp thời tiết thuận lợi, giống lúa hợp đất, cuối vụ, một mảnh ruộng mang về cho gia đình 5 bao thóc đầy. Với 12 mảnh ruộng, gia đình thu được gần 70 bao thóc. Năm thứ hai, thứ ba bội thu; bà con trong thôn đi từ ngỡ ngàng đến nể phục chị Sủi.

Trong nhiều năm, gia đình chị Sủi còn có thóc dư để bán, có tiền lợp nhà ngói đầu tiên trong thôn. Bà con trong thôn thấy vậy kéo đến nhà Trưởng thôn xin giống lúa mới, xin kinh nghiệm trồng trọt. Chị Sủi nhiệt tình chỉ cho bà con cách ủ giống, gieo mạ, chăm sóc lúa lai. Chị vận động bà con chuyển từ trồng ngô địa phương sang ngô hàng hóa cho năng suất cao. Tống Thượng từ ngày ấy dần dần có nhiều thay đổi, cuộc sống của người dân đã khấm khá, cái đói, cái nghèo, hủ tục lạc hậu được đẩy lùi.

Hiện nay, Tống Thượng có 74 hộ, trong đó có 17 hộ giàu, 35 hộ khá; nhiều hộ thu nhập bình quân mỗi năm từ 80-100 triệu đồng. Gần 20 năm làm Trưởng thôn rồi kiêm Bí thư Chi bộ, Công an viên, dù không có phụ cấp nhưng chị Sủi chưa từng nản chí bởi động lực giúp chị làm tốt công việc chính là sự tín nhiệm của nhân dân và những đổi thay tích cực của Tống Thượng.

Cùng thời gian làm Trưởng thôn, chị Sủi còn kiêm chức Công an viên thôn Tống Thượng. Chị bảo: “Ngày ấy đàn ông trong thôn đã ít, lại chẳng ai biết viết một cái biên bản cả. Mình nhận làm Trưởng thôn rồi, đằng nào cũng vất vả, nên nhận kiêm thêm chức Công an viên”.

Chị Sủi cũng không quên những lần nửa đêm phải đội mưa gió, sương mù đến nhà dân giải quyết vụ hàng xóm, vợ chồng mâu thuẫn, anh em say rượu gây mất đoàn kết. Nhờ cách xử lý kiên quyết, hợp tình, hợp lý của chị Sủi, nên các vụ việc trong thôn đều được giải quyết ổn thỏa, tình hình an ninh, trật tự thôn dần ổn định.

Năm 2004, được sự tín nhiệm của phụ nữ xã Nậm Đét, chị Sủi được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. Điều mà chị Sủi luôn canh cánh trong lòng là giúp cho phụ nữ DTTS có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chị hướng dẫn các hội viên phụ nữ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để phát triển kinh tế như cây quế, nuôi lợn nái đen… Đến nay, toàn xã Nậm Đét đã có gần 100 hộ gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo. Chị Triệu Thị Mẩy, thôn Tống Thượng chia sẻ: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, có một thời gian hai vợ chồng đi làm thuê nhưng thu nhập không đáng là bao. Được chị Sủi vận động, chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn giảm nghèo để trồng cây quế. Vợ chồng tôi đã chuyển từ trồng ngô sang trồng quế cho thu nhập ổn định, không phải bỏ quê đi làm thuê nữa.

Khi cuộc sống được cải thiện, phụ nữ Nậm Đét cũng có những thay đổi lớn trong nhận thức, đặc biệt là trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Theo lời vận động của chị Sủi, chị em phụ nữ các thôn đóng góp tiền để xây dựng nhà văn hóa, đổ được 25km đường bê tông; nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã hiến 20.000 cây quế, 14ha đất để mở 11km đường nội đồng…

Bà Triệu Thị Ghến, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết: “Là Người có uy tín, luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị Sùng Phà Sủi đã trở thành một tấm gương sáng cho bà con ở xã vùng cao Nậm Đét học tập”.

Với những đóng của mình, chị Sủi đã nhiều lần được các cấp của tỉnh Lào Cai khen thưởng. Nhưng với chị, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng của bà con, là động lực cho người phụ nữ Phù Lá này tiếp tục gắn bó với những thôn bản vùng cao Nậm Đét.

CAO HỒNG - MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.