Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 Lai Châu được giải phóng, nhân dân các dân tộc Điện Biên được sống trong chế độ mới vừa tròn 1 năm thì ngày 20/11/1953, thực dân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ với ý đồ thực hiện kế hoạch Na Va. Nhân dân các dân tộc Điện Biên khi ấy đã tận mắt nhìn được sự tàn ác của lính Pháp.
Ông Lò Văn Hặc, (78 tuổi), người dân bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhớ lại: “khi đó anh em chúng tôi mới 14, 15 tuổi đang chơi cù với nhau, tự nhiên thấy trời đất tối mịt lại, cùng với những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Một lúc sau mở được mắt ra thì thấy nhà cửa xung quanh đã cháy hết, bốc khói ngùn ngụt. Xác người nằm ngổn ngang, la liệt, cháy xém... Khiếp lắm”.
Hơn 6 thập kỷ trôi qua, Khu tưởng niệm cuộc thảm sát đẫm máu ở Noong Nhai vẫn sừng sững nằm bên tuyến đường Quốc lộ 279, con đường xuyên Á sang nước bạn Lào. Nổi bật ở Khu Tưởng niệm là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay, thể hiện nỗi đau mất con của những người mẹ.
64 năm đi qua, vết thương của chiến tranh ở Noong Nhai cũng đã dần được hàn gắn và khỏa lấp, người dân tập trung ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Những bản làng trù phú mái ngói đỏ tươi lại mọc lên, cuộc sống mới của người dân nơi đây trở nên ấm no trở lại, hình thành đô thị mới trên mảnh đất lịch sử này. Và hơn ai hết, những nhân chứng lịch sử như ông Lò Văn Hặc cũng chính là người chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất một thời lửa đạn này.
Ông Hặc xúc động cho biết: “hơn 6 thập kỷ gắn bó với mảnh đất Noong Nhai lịch sử, chứng kiến những bản làng trù phú mọc lên từng ngày trên bãi chiến trường xưa thấy hạnh phúc lắm. Những con đường vào bản giờ đều đã được bê tông hóa đi lại thuận tiện, cuộc sống giờ đây không còn cảnh đói nghèo, cơ cực mà đang từng ngày phát triển đi lên. Thấy đất nước thay đổi nhiều phấn khởi lắm, như bản tôi ở bây giờ nhà nào cũng làm nhà đẹp khang, sáng sủa. Ngày Tết, ngày lễ vui vẻ, phấn khởi lắm”.
Xã Thanh Xương hiện có 26 thôn bản, với hơn 2.000 hộ, khoảng 8.000 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%. Theo chính quyền xã Thanh Xương, cuộc sống người dân trong xã vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; trong đó có lợi thế với cánh đồng Mường Thanh màu mỡ cho năng suất lúa nước khoảng 70 tạ/ha; 4 trường học đạt chuẩn quốc gia; tất cả các thôn bản đều thuận tiện về điện lưới quốc gia, nước sạch và đường giao thông. Xã có 32 chi bộ Đảng phủ khắp tất cả 26 thôn bản. Thế mạnh của Thanh Xương là có đường Quốc lộ 279 đi qua nên thuận tiện cho người dân hai bên đường phát triển thông thương, kinh doanh, buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nhấn mạnh: Cho đến nay, bộ mặt nông thôn của xã đã được thay đổi rất nhiều, đặc biệt là việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Trong năm 2017, xã đã thực hiện được 19/19 tiêu chí và vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống bà con hiện được cải thiện rất nhiều, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã là 26,5 triệu đồng/năm.
Từ mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh xã Thanh Xương nay đã thay da đổi thịt. Đến Thanh Xương hôm nay, trên con đường Quốc lộ 279 huyết mạch, một bên là cánh đồng Mường Thanh bát ngát màu xanh, một bên là khu đô thị mới Bom La đang ngày càng sầm uất, phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Xương vẫn đang không ngừng nỗ lực để xây dựng bản làng ngày thêm ấm no; đồng bào các dân tộc thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính vùng đất chiến trường năm xưa.
Từ mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh xã Thanh Xương nay đã thay da đổi thịt. Đến Thanh Xương hôm nay, trên con đường Quốc lộ 279 huyết mạch, một bên là cánh đồng Mường Thanh bát ngát màu xanh, một bên là khu đô thị mới Bom La đang ngày càng sầm uất, phát triển”.
VŨ LỢI