Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông sản an toàn và xu hướng tất yếu

Nguyễn Hưởng - 10:24, 20/07/2023

Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia sản xuất nông sản an toàn thực phẩm (ATTP), những năm qua, nhiều Hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thay đổi nhận thức, thói quen canh tác cũ. Từ đó, chuyển dần sang sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường.

Mô hình sản xuất dưa leo của HTX Rau sạch Yên Dũng.
Mô hình sản xuất dưa leo của HTX Rau sạch Yên Dũng

Thay đổi nhận thức

Từng có thời kỳ tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng người dân sản xuất theo kiểu “rau hai luống, lợn hai chuồng” (ý nói trên cùng trên một thửa ruộng, được trồng một luống rau sạch để gia đình ăn; một luống sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, chất kích thích để bán, tương tự với nuôi lợn cũng thế). Tuy nhiên, đến nay theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng này đã giảm đáng kể khi người dân được tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Tham gia nuôi cá đã hàng chục năm nhưng sau khi được Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, được Hội Nông dân tuyên tuyền, vận động nên từ năm 2015 gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên) đã bỏ nuôi cá theo lối cũ để chuyển sang quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trên diện tích 3,6 nghìn m2 ông Hoàn nuôi thả 1 vạn con cá gồm trắm, chép, rô phi, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch khoảng 17 tấn. Ông Hoàn cho biết: Nuôi thả theo quy trình VietGAP giúp cá ít bị bệnh, chi phí giảm, hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Để chất lượng cá được thơm ngon, tôi dùng ngô bung, thóc mầm và trồng hơn 1 mẫu cỏ, tận dụng các loại rau, củ, quả trong vườn làm thức ăn cho cá.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên đã bỏ nuôi cá theo lối cũ để chuyển sang quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên đã bỏ nuôi cá theo lối cũ để chuyển sang quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhiều năm tham gia cung ứng rau, củ, quả sạch cho các siêu thị, doanh nghiệp (DN), trường học trong và ngoài tỉnh, HTX Dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang tại khu Đồng Hòa, tổ dân phố Mai Đình, phường Đa Mai (Tp. Bắc Giang) mỗi năm canh tác trên diện tích 15ha và cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn lúa, rau, củ, quả như: Dưa chuột, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, cà chua, và các loại rau ăn lá, rau gia vị...

Bà Nguyễn Thị Cương, Giám đốc HTX chia sẻ, Từ năm 2015, HTX tập trung sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó tuân thủ nghiêm quy trình, bảo đảm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học ngoài danh mục được phép, đồng thời, dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ và vi sinh. Một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến là ngâm ủ rượu với ớt, tỏi, gừng để phun cho cây, nước tưới bơm từ giếng khoan và không phun thuốc trừ cỏ. Sản phẩm được các DN về tận nơi thu mua để cung ứng cho hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể một số công ty, trường học.

Hành động vì ATTP

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, diện tích rau an toàn của tỉnh Bắc Giang đạt 12,6 nghìn ha, tỷ lệ thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 56%, vải thiều 15,6 nghìn ha, chăn nuôi gia cầm đạt 49%, nuôi thủy sản 47,2%. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục đến hàng chục nghìn ha. Trong đó có 165 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, khoai tây, trên 300 mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, nhà màng và khoảng 50 chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Điển hình như: Vùng sản xuất rau tập trung của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) sản lượng 500 tấn/năm, có hợp đồng liên kết thu mua với các DN như Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty Cổ phần Green Farm, hệ thống siêu thị. Mô hình trồng rau an toàn VietGAP của HTX Rau sạch Yên Dũng quy mô trên 60ha có sự tham gia liên kết tiêu thụ của nhiều DN ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các công ty, trường học, siêu thị, nhà hàng.

Vườn dưa leo trong nhà màng của HTX Dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang.
Vườn dưa leo trong nhà màng của HTX Dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang.

Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Để nhân rộng các hình thức sản xuất theo hướng bảo đảm ATTP, không chỉ ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, mà nhiều tổ chức, đoàn thể đã chung tay tổ chức các hoạt động như tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ chế phẩm sinh học. Qua đó nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe con người. Tại nhiều địa phương hình thành cánh đồng xanh “3 không” (không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, rác thải tại kênh mương nội đồng; không sử dụng thuốc trừ cỏ cháy; không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng trong sản xuất).

Các cấp Hội Nông dân đã xây dựng mô hình điểm sản xuất bảo đảm ATTP như: Canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hoà, Việt Yên, Lục Nam, Sơn Động, Tân Yên; mô hình chăn nuôi gà thả vườn sử dụng chế phẩm sinh học với quy mô 11 nghìn con tại huyện Yên Thế, Việt Yên... Năm 2022, các cấp hội phối hợp tổ chức 105 hội nghị tập huấn, truyền thông cho gần 16.000 lượt người về kiến thức sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP.

Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu hiện nay. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền và tổ chức cho gần 100% hội viên ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động 3 không: (Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục).

“Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch. Vận động hội viên, nông dân không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng hóa chất độc hại để giấm chín hoa quả, chất cấm trong chăn nuôi; không vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc... Vận động nông dân dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát hộ nông dân trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng cam kết bảo đảm ATTP”, ông Lã Văn Đoàn chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.