Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân Khe Rạn làm du lịch

PV - 09:40, 02/07/2019

Mấy năm gần đây, nhiều người biết đến huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An), bởi nơi đây là điểm du lịch cộng đồng thú vị, thu hút nhiều khách du lịch đến thăm và trải nghiệm. Đặc biệt, hướng dẫn viên du lịch ở đây đều là đồng bào Thái, với cách thức tổ chức hoạt động du lịch rất chuyên nghiệp.

Biểu diễn văn nghệ tại bản du lịch cộng đồng Khe Rạn.Ảnh TL Biểu diễn văn nghệ tại bản du lịch cộng đồng Khe Rạn.Ảnh TL

Vượt hơn 100km từ TP. Vinh, tìm đến khu du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện miền núi Con Cuông. Trưởng bản Khe Rạn, ông Lô Văn Thắng đón chúng tôi ngay tại con đường bê tông dẫn vào bản và tình nguyện làm hướng dẫn viên. Ông chia sẻ, bản Khe Rạn có khoảng 100 hộ dân đều là người dân tộc Thái. Cách đây chưa lâu, cuộc sống người dân khó khăn lắm, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên nhiều hộ bị thiếu đói. Từ khi có chủ trương của Nhà nước chọn Khe Rạn là một trong 4 bản của huyện làm mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân mới khởi sắc hơn.

Thời gian đầu, người dân nghe đến du lịch cộng đồng thì lạ lẫm lắm, nhưng với sự tuyên truyền và hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn trong công tác tập huấn, đào tạo nên người dân hồ hởi tham gia. Hiện nay, bất cứ người dân nào trong bản đều có thể làm hướng dẫn viên cho du khách.

Để chứng minh, Trưởng bản Lô Văn Thắng dẫn tôi đến gặp ông Lô Huỳnh Lan-thành viên tiên phong trong làm loại hình du lịch này. Nhờ làm du lịch mà gia đình ông Thắng đã xây được nhà cao rộng, có thể đón tiếp 60 đến 70 du khách đến ăn, nghỉ tại nhà.

Ông Lô Huỳnh Lan cho biết, từ ngày tham gia mô hình du lịch cộng đồng, cả nhà ai cũng vui. Vui vì được đón tiếp khách xa tới thăm gia đình. Vui hơn nữa, là được giới thiệu nhiều phong tục tập quán của người Thái: từ các món ăn truyền thống đến chuyện đám cưới, đám tang hay chuyện dựng nhà, làm nương, nuôi con, chăm con...

Mọi thành viên trong gia đình ông Lan đều tham gia làm du lịch. Mẹ ông năm nay gần 70 tuổi cũng tham gia. Để đảm bảo phục vụ khách du lịch, gia đình đã đầu tư làm lại hệ thống vệ sinh khép kín sạch sẽ, mua sắm giường chiếu, chăn màn đầy đủ.

Theo ông Lan, du khách đến với bản Khe Rạn ngoài khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán, phong cảnh, còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân địa phương và chung vui rượu cần khi đêm xuống.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Để phục vụ du khách trải nghiệm, Ban Quản lý bản Khe Rạn đã khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương-từ ẩm thực đến các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian…

Bản đã thành lập được 2 đội văn nghệ phục vụ khách du lịch; hình thành một tổ dịch vụ ẩm thực chuyên phục vụ du khách các món đặc trưng của người Thái. Tổ dịch vụ với sự tham gia của 12 thành viên là phụ nữ trong bản, cùng lúc có thể phục vụ các đoàn khách từ 60-70 người.

 Người dân bản Khe Rạn chế biến các món ăn từ rau rừng phục vụ du khách. Người dân bản Khe Rạn chế biến các món ăn từ rau rừng phục vụ du khách.

Chị Hà Thị Sâm, Tổ trưởng Tổ dịch vụ nấu ăn bản Khe Rạn cho biết: Mục đích là làm du khách hài lòng khi về với bản Khe Rạn nên ngoài việc phục vụ du khách thưởng thức các món ăn, chúng tôi tuyệt đối không chèo kéo, ép giá khách mà phải nhiệt tình hướng dẫn cho du khách.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường và thái độ phục vụ khách được Ban Quản lý bản thường xuyên quan tâm. Với phương châm “sạch trong nhà ra ngõ” đường làng ngõ bản phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Công trình vệ sinh phải đảm bảo, nơi nghỉ phải đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nếu ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở trong các buổi sinh hoạt bản, vì thế người dân trong bản đều nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Vi Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 bản đang triển khai làm du lịch cộng đồng. Đây là những bản có tiềm năng về địa hình, phong cảnh đẹp, bản sắc văn hóa lâu đời… thuận lợi cho việc khai thác, phát huy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Mục đích của huyện là giới thiệu và quảng bá hình ảnh huyện miền núi Con Cuông, làm thay đổi nhận thức và tăng thu nhập cho người dân. Trong 4 bản làm du lịch thì bản Khe Rạn đã về đích xây dựng NTM. Huyện cũng đang xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng ra khắp cả nước, qua đó thu hút du khách đến với Con Cuông ngày càng nhiều hơn.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.