Ông Dương Ngọc Hanh, ở thôn 1, xã Ea Ngai được đánh giá là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực, gương mẫu tham gia công tác hội. Trước đây, hoàn cảnh gia đình ông Hanh rất khó khăn, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê già cỗi. Năm 2005, ông được Hội Nông dân xã Ea Ngai hỗ trợ cho vay 5 triệu đồng không lãi suất từ nguồn quỹ hội để đầu tư vào vườn cà phê, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê già cỗi để đạt hiệu quả cao hơn, được chăm sóc đúng cách nên cà phê của gia đình ông tăng năng suất vượt trội.
Năm 2014, Hội Nông dân xã giới thiệu ông Hanh tham gia liên kết sản xuất cà phê với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai theo tiêu chuẩn FLO (tổ chức quốc tế về thương mại công bằng) do hợp tác xã hợp đồng thỏa thuận với Công ty TNHH Đăk Man tại TP. Buôn Ma Thuột. Ông Hanh chia sẻ: Từ khi thực hiện sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn FLO thì vườn cây đã chậm lão hóa hơn, chi phí đầu tư giảm 25-30% mà năng suất cà phê lại tăng từ 10-15% so với những năm trước. Nhất là khi xuất bán, tôi được đơn vị thu mua hỗ trợ cao hơn giá thị trường từ 200-300 đồng/kg, nên lợi nhuận thu nhập của gia đình ông tăng lên 20 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình dần ổn định.
Cũng là một điển hình trong phong trào thi đua, gia đình chị Phạm Thị Phúc ở thôn 2, xã Tân Lập không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn giúp những hộ dân khác vươn lên. Hơn chục năm trước, vợ chồng chị Phúc rời quê hương Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào Đăk Lăk mua 9 sào cà phê. Năm 2011, Hội Nông dân xã Tân Lập đứng ra tín chấp chị mua phân bón trả chậm và vay thêm 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư thêm giống tiêu, bơ, sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê.
Cùng với việc tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức mà năng suất cà phê tăng gấp đôi, các cây trồng khác phát triển tốt. Đến năm 2015, gia đình chị Phúc mua thêm 7 sào đất đầu tư hệ thống dàn lưới làm ươm cây giống để cung ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng. Từ mô hình phát triển kinh tế đa cây, đến nay mỗi năm chị xuất bán 1,5 tấn tiêu, 7 tấn sầu riêng, 4 tấn cà phê, 10 tấn bơ, và mỗi tháng cung ứng trên 3.000 cây giống các loại. Trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Bà Cao Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Buk cho biết: Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội đã thực hiện tốt việc tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ vốn cho nông dân; phối hợp với trạm khuyến nông và ngành chức năng địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; làm tốt vai trò cầu nối giữa các ngân hàng với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất… Đặc biệt, các cấp Hội còn huy động đóng góp quỹ tiết kiệm trên 650 triệu đồng để tạo điều kiện cho các gia đình hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, khuyến khích nông dân phát huy sáng tạo dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế.
“Hiện, toàn huyện có 7.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, phá vỡ thế độc canh truyền thống. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn giúp đỡ các hộ khó khăn vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế”. Bà Nga cho biết thêm.
LÊ HƯỜNG