Bề ngoài cá lạc trông không bắt mắt, ai mới thấy lần đầu đã “gai” người vì cá có thân dài, da trơn, cái đầu thon nhọn, đôi mắt thao láo, miệng rộng và cái đuôi bè bè nhỏ tí. Ấy vậy mà thịt cá lạc cực ngon, trắng, lại ngọt và dai. Người rành chuyện bếp núc biết chọn cá lạc tươi là da còn bóng nhẫy, mắt cá sáng trong, thân, thịt còn cứng chắc. Riêng làm gỏi cá lạc nhất thiết chọn loại cá non tơ, nhỉnh hơn hai ngón tay, vì nếu lớn hơn xương quá dày và cứng.
Khâu sơ chế cá lạc đòi hỏi đầu bếp phải tỉ mỉ làm sạch ruột và xử lý khéo léo. Lột da cá theo chiều từ đầu xuống đuôi. Dùng dao bén, xẻo thịt hai bên xương sống cá. Xong cho một ít muối và giấm vào rồi ngâm cho miếng thịt cá săn chắc và khử hết vị tanh. Sau đó vớt cá, lau thật khô bằng khăn sạch rồi thái thành từng lát mỏng, càng mỏng càng tốt.
Khâu quan trọng quyết định hương vị, giữ được độ thơm ngọt của món ăn chính là quy trình trộn cá với các loại gia vị, rau. Ướp những lát cá mỏng với hỗn hợp gừng, tỏi, ớt giã nhỏ, bột ngọt, chanh theo một tỷ lệ vừa ăn, chừng mười lăm phút, lát cá đủ độ chín tái. Trước khi ăn cho gỏi lên đĩa và vắt thêm chanh. Thêm bánh tráng nướng đã giã nhỏ thành bột rồi trộn đều vào đĩa gỏi. Bột bánh tráng giúp chống nhão cho miếng gỏi đồng thời gia tăng sự thẩm thấu gia vị vào lát gỏi. Cho rau thơm, hành tím xắt lát, xoài xanh, khế vào vừa trang trí cho đẹp vừa ăn kèm để tạo mùi vị hấp dẫn. Cuối cùng, chỉ cần múc gỏi ra đĩa, rắc thêm một ít đậu phộng rang, tiêu hạt giã nhỏ là đã có thể thưởng thức. Trải miếng bánh tráng mỏng ra, tiếp đến là lớp rau sống, đặt vài ba miếng gỏi vào giữa rồi cuốn lại chấm với nước mắm cá cơm nguyên chất, nghe vị cá ngọt ngào hòa quyện trong hương chanh thơm ngát mà thấy lòng như được thăng hoa...