Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bó hoa tươi thắm.
Thủ tướng cũng tặng quà cho 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022 và 10 gương mặt trẻ triển vọng năm 2022.
Phát biểu ý kiến mở đầu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian trực tiếp đối thoại với thanh niên. Đây là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, khát vọng vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ để xây dựng đất nước.
Đồng thời sự kiện thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng Chính phủ với thanh niên vì sự phát triển thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta.
Bộ trưởng nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương, chính sách pháp luật về thanh niên vào cuộc sống; có tác động sâu sắc, tích cực, hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Với ý nghĩa đó, buổi đối thoại hôm nay được đặt ra với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0", tôi đề nghị các bạn đoàn viên, thanh niên hãy hăng hái bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình để hiến kế với Chính phủ, các bộ ngành giải đáp những băn khoăn, trăn trở cũng như mong muốn của các bạn; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thanh niên, hiện thực hóa mục tiêu chăm lo, phát triển toàn diện, xây dựng thế hệ thanh niên xứng đáng là "rường cột" của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Tại buổi đối thoại, nhiều các đoàn viên thanh niên trên khắp cả nước đã đặt nhiều câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành về nhiều vấn đề đang được thanh niên hết sức quan tâm hiện nay.
Đại diện thanh niên đặt vấn đề về việc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều công nghệ mới được ứng dụng để giúp tối ưu hóa quy trình như công nghệ số, công nghệ thông tin tích hợp, trí tuệ nhân tạo, cuộc cách mạng này mang lại rất nhiều cơ hội mới nhưng cùng với đó là không ít thách thức cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam, mong Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thông tin về những quyết sách quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.
Trước khi giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, trong không khí phấn khởi của cuộc đối thoại khiến mỗi người tham dự đều muốn "ngày nào cũng là ngày thanh niên, tháng nào cũng là tháng thanh niên, năm nào cũng là năm thanh niên". Nhân dịp Kỷ niệm 92 năm Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các đại biểu tại các điểm cầu.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhận thức vai trò quan trọng của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đảng ta đã có những quyết sách lớn như Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đây là đổi mới quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, tạo những điều kiện quan trọng để mở đường cho các trường đại học cũng như đào tạo trình độ đại học chất lượng cao.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đưa giáo dục quốc gia cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao ngành giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai nhiều đề án, chương trình, trong đó có một đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đang xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và bước đầu có 5 trường đại học thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật đã đăng ký tham gia đề án này.
Ngoài ra, có những đề án khác như đề án xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ cao.
Toàn ngành giáo dục cũng đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cho biết, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao, trong đó nỗ lực thực hiện 3 trụ cột lớn: xây dựng nền dân chủ Xã hội Chủ nghĩa, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Thủ tướng, hiện nay thế giới có nhiều diễn biến khó lường, kể cả Hoa Kỳ, Thụy Sĩ có thể xảy ra những biến động, chao đảo trong lĩnh vực ngân hàng; nhiều hậu quả có thể kéo dài, tác động tiêu cực thế giới...
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, xuyên suốt quá trình này, Việt Nam coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển, công tác không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, môi trường đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội. Các bạn trẻ luôn nhớ đất nước ta luôn có truyền thống lịch sử hào hùng hàng nghìn năm; trải qua nhiều cuộc chiến tranh, rồi đất nước bị cấm vận.
Thủ tướng mong các bạn trẻ hiểu được những khó khăn của đất nước, nhưng hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vào cuộc và ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được thành quả.
Thủ tướng tin tưởng thế hệ trẻ phát huy tinh thần khí thế tuổi trẻ, truyền thống hào hùng của cha ông đi trước, không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thủ tướng muốn thanh niên hiểu rõ quá trình phát triển đất nước, trách nhiệm của thế hệ trẻ tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc.
Về câu hỏi thời gian tới, để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ được đổi mới ra sao?
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, để cho thanh niên có thể đáp ứng tốt nhu cầu việc làm trong thời đại 4.0, vấn đề bạn nêu liên quan tới toàn bộ chất lượng giáo dục đại học chứ không chỉ một khâu nào cả.
Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới từ giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học. Trong giáo dục phổ thông rất nhiều năng lực, kỹ năng mới đã được đưa vào dạy bắt buộc từ lớp 3, chẳng hạn các môn tin học, ngoại ngữ và các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phát triển bản thân... Năng lực của người lao động phải được hình thành từ những năm đầu phổ thông chứ không thể đợi đến đại học. Khi vào đại học rồi, cần tăng cường thêm kiến thức nghề, năng lực chuyên môn khác.
Hiện nay, các trường đại học đang rất tích cực tăng cường thêm lĩnh vực đào tạo chuyên ngành về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và rất nhiều những ngành khác liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Còn đối với sinh viên nói chung, trong các chương trình đào tạo mới theo quy định cũng đều tăng cường hướng đến sự kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngoài các kỹ năng nền còn yêu cầu trang bị các kỹ năng mềm, năng lực về công nghệ thông tin, về ngoại ngữ và rất nhiều năng lực để kết nối làm việc nhóm cùng nhiều các kỹ năng khác nữa.
Để cho người lao động có thể thích ứng được tốt nhất thì đó là giải pháp tổng thể mà các trường đại học tùy theo lĩnh vực đào tạo khác nhau đều đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ sinh viên tốt nhất theo yêu cầu trong thời gian sắp tới.
Thủ tướng chia sẻ thêm: "Đảng ta xác định giáo dục, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nhiều việc cần phải làm, trong khi nguồn lực khiêm tốn".
Sau hơn 35 năm đổi mới, nền kinh tế có được quy mô như năm 2022 là hơn 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD, chỉ số hạnh phúc được nâng lên 12 bậc từ vị trí 77 lên 65. Điều đó cho thấy nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ. Nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh đất nước ta, sát thực tế trong điều kiện khó khăn những vẫn nâng cao được tiềm lực, năng lực đào tạo, biên soạn chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thế giới và phù hợp hoàn cảnh đất nước.
Ngoài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, đùm bọc của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục, thì sự nỗ lực của bản thân từng thanh niên trong quá trình nỗ lực học tập là điều quan trọng nhất.
"Chúng ta phải tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa những gì sẵn có, vươn lên từ những khó khăn để vượt qua thách thức. Làm thế nào phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng, phát triển kỹ năng sống và kỹ năng nghề; thích ứng mọi hoàn cảnh. Thế hệ trẻ bây giờ phải hội nhập quốc tế thì phải tích cực trang bị kiến thức ngoại ngữ, vừa là lợi ích cá nhân, vừa là lợi ích chung, góp phần tạo ra kỹ năng lao động quốc tế. Trong thời đại hiện nay, phải tích cực chuyển đổi số, phải bảo vệ môi trường. Chúng ta phải có giải pháp về giáo dục, đào tạo, hoàn thiện con người Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đại diện từ Cà Mau đặt câu hỏi: Phát triển khoa học công nghệ sẽ làm giảm lao động thủ công, đơn giản, do đó lao động trẻ cần có trang bị thêm kỹ năng, đào tạo lại kỹ năng cần thiết, Chính phủ có giải pháp gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ vui mừng vì số lượng, chất lượng lực lượng lao động Việt Nam chưa bao giờ cao như hiện nay. Việt Nam dân số đông, trẻ, nhưng năng lực cạnh tranh Việt Nam chưa cao, năng suất lao động chưa cao, rõ ràng, kỹ năng lao động, nghề nghiệp, kỹ năng sống cần phải quan tâm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so các nước ASEAN. Dân số Việt Nam trẻ nhưng 10 năm nữa, cứ 4 người có 1 người già, là thách thức lớn. Chúng ta đang đối đầu 4 chuyển đổi, nếu không nắm bắt sẽ tụt hậu: chuyển đổi công nghệ, là cơ hội đưa Việt Nam vào cách mạng công nghiệp 4.0, làm thay đổi cách quản trị, cách sống; chuyển đổi không gian, là quá trình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu việc làm, nếu tuổi trẻ Việt Nam không nhanh thì không thích ứng được; chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế; chuyển đổi xã hội từ chỗ Việt Nam là dân số trẻ bước sang dân số già, phải nắm bắt cơ hội “dân số vàng”. Điều này đòi hỏi chuyển đổi xã hội gia tăng tầng lớp xã hội, nhưng cũng phân hóa xã hội.
Bên cạnh giáo dục kỹ năng đào tạo, phải đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy hệ thống đại học và trường đạo tạo nghề làm trọng tâm. Chúng ta muốn đi nhanh phải đào tạo con người; tập trung kiến tạo chính sách cho 3 đối tượng thanh niên; quan tâm hệ thống chính sách phụ cận; phấn đấu 2030 Việt Nam không còn nhà tạm, tạo cho người lao động, công nhân yên tâm cống hiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm: Thị trường lao động luôn biến đổi, lao động việc làm cũng là trụ cột trong nền kinh tế vĩ mô, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, là một trụ cột an sinh xã hội. Muốn có công ăn việc làm phải mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động cũng biến đổi theo xu thế, trong thời đại 4.0, mặc dù không thể thiếu đất đai, tài nguyên khác, nhưng chúng ta phải dựa vào yếu tố con người vừa là động lực, mục tiêu cho sự phát triển, do đó con người phải thích ứng trong điều kiện mới. Chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược, chuyển đổi số đã len lỏi vào góc cạnh của cuộc sống, bên cạnh mặt tích cực thì đi kèm nhiều tiêu cực như lừa đảo, tấn công trên mạng, gây ảnh hưởng tâm lý...
"Chúng ta phải có chính sách để đi vào đào tạo nguồn nhân lực thích ứng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Định hướng nghề nghiệp phải thích ứng mọi hoàn cảnh, xu thế; phải có tư duy, phương pháp luận để thích ứng thời đại chuyển đổi số. Các Bộ trưởng phải nỗ lực có hỗ trợ thanh niên đào tạo, chuyển đổi nghề; các bạn trẻ phải lựa chọn nghề phù hợp, có thể chuyển trạng thái nhanh nhất, phải có quyết tâm theo đuổi đến cùng; vừa phải có nền tảng, kỹ năng", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh./.