Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗ lực triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long

PV - 18:45, 15/10/2024

Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)

Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc đồng chủ trì Hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các chuyên gia, nhà khoa học, một số tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị nhằm mục đích tiếp tục thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững; nêu rõ, hiện nay, vị thế của đất nước ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế, cho nên chúng ta phải tranh thủ thời cơ quý giá này.

Hiện nay, chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế là vấn đề khôi phục tăng trưởng toàn cầu. Theo Thủ tướng, nói về tăng trưởng có ba nội dung, gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn thì chúng ta không thể không nhắc đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những biểu tượng trong truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham dự Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham dự Hội nghị

Thủ tướng khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội lớn để phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tình hình an ninh lương thực trên thế giới không lúc nào không bị đe dọa. Nói điều đó để thấy giá trị, tầm quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ có kế hoạch triển khai Nghị quyết và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, và luôn quan tâm sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nêu rõ, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế trong quá trình phát triển là con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, đất đai, điều kiện khí hậu, tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là canh tác lúa gạo, thủy sản.

Hiện nay, cạnh tranh trên thị trường rất lớn, do đó dù có lợi thế nhưng nếu chúng ta không đầu tư bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn thì giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về không lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh, lúa gạo là lợi thế lớn nhất của Việt Nam, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nhất vì đó là truyền thống lịch sử, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm thu nhập cho hàng chục triệu hộ nông dân, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Hiện nay, chúng ta phải suy nghĩ, tính toán về cạnh tranh, lựa chọn phân khúc sản phẩm phù hợp. Vấn đề là chúng ta dự báo được, có điều chỉnh, phản ứng chính sách linh hoạt, với quan điểm phát triển lúa gạo hiệu quả, chất lượng, bền vững gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần đưa mức phát thải ròng về "0" theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng nêu rõ, việc tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá 1 năm qua trong việc thực hiện Đề án, những gì đã làm được, những gì chưa làm được? Việc làm tiếp theo, trách nhiệm của từng chủ thể, bảo đảm “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ”?

"Những gì làm được thì cần phải phát huy. Cần chỉ rõ ai phải làm, làm trong bao lâu, kết quả như thế nào chứ không nói chung chung. Để làm được điều này, chúng ta phải đầu tư phát triển hạ tầng với các phương thức giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống đường cao tốc, cảng thuỷ nội địa, phát huy điều kiện thuận lợi về sông nước của vùng, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa", Thủ tướng lưu ý.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất lúa gạo lớn nhất nước ta. Chúng ta vững vàng trong điều kiện khó khăn vừa qua là nhờ trụ đỡ về nông nghiệp, lúa gạo, lương thực, thực phẩm; nhờ đó khi điều chỉnh tăng lương thì giá không tăng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt nhiệm vụ, vươn lên trong khó khăn, phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tích cực quảng bá sản phẩm; phối hợp chặt chẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

"Chúng ta cần có đam mê, cảm xúc, trách nhiệm, tự hào về vùng đất, văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó “thổi hồn” vào những cái lợi thế sẵn có bằng khoa học công nghệ, hạ tầng, trách nhiệm thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 12 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai Đề án, đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn khó khăn, vướng mắc, do nhận thức và hành động còn khác nhau, nhiều hộ nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án.

Thủ tướng cho rằng, quy hoạch cần xác định vùng trồng lúa chất lượng cao, phải bảo đảm canh tác sạch đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay; các cơ chế, chính sách huy động bố trí nguồn lực để triển khai Đề án, sử dụng vốn ODA, huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp như thế nào…?

Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long báo cáo về tình hình triển khai Đề án, kết quả, nêu những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân nhưng phải chỉ rõ “địa chỉ, giải pháp, thời gian thực hiện”.

Để bảo đảm tính khả thi, nhất là cơ chế, chính sách, Thủ tướng yêu cầu làm rõ căn cứ xây dựng chính sách như thế nào, đặc biệt là các vấn đề như khoa học công nghệ ứng dụng vào canh tác lúa, hoa quả, nuôi trồng thủy sản; tinh thần phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là phải làm, đã làm phải có kết quả cụ thể.

Thủ tướng mong Hội nghị thảo luận, đánh giá để ra được kết luận, nêu rõ trách nhiệm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thúc đẩy triển khai thành công Đề án.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Đây cũng là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Thời gian vừa qua, Bộ đã rất nỗ lực cùng 12 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện Đề án và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ hè-thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực, tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, mô hình đã giúp giảm chi phí 20-30% (giảm hơn 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên 1ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức và hành động; về quy hoạch và xác định vùng trồng lúa; về cơ chế, chính sách, về việc huy động và bố trí nguồn lực triển khai Đề án, trong đó có việc quản lý, sử dụng vốn ODA, trao đổi tín chỉ các-bon trong trồng lúa và một số vấn đề khác.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, nêu rõ các kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện, xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, nêu các đề xuất, kiến nghị để các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra. Trong đó, các giải pháp, nhiệm vụ tập trung vào một số nội dung: Quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng thương hiệu lúa gạo trong phân khúc chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, xây dựng quỹ để xử lý nhanh các vấn đề; phát triển thị trường với sự tham gia của doanh nghiệp; liên kết sản xuất lớn…

Lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi về các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm rõ thêm về huy động, sử dụng các nguồn lực, quản lý tài chính, Ngân hàng Nhà nước làm rõ về nguồn vốn tín dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập các giải pháp ứng phó hạn mặn, sạt lở…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo, yêu quý cây lúa như chính bản thân, từ đó mới tạo được cuộc cách mạng cho cây lúa; huy động nguồn lực, đa dạng hoá nguồn lực gồm nguồn lực của Trung ương, địa phương, nguồn hợp tác công tư, đi vay, phát hành trái phiếu, xã hội hoá, nguồn lực của Nhân dân.

Việc sử dụng nguồn lực phải hiệu quả, xoá bỏ cơ chế “xin-cho”, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà; bảo đảm nguồn lực đến tận địa phương, cơ sở sản xuất, nông dân; phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trước hết là phát huy tính tự lực, tự cường của địa phương; huy động sức mạnh Nhân dân bởi Nhân dân làm nên lịch sử, phải có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp.

Về mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu phải tăng tốc, bứt phá, đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, từ đó đạt 14-15 triệu tấn lúa, 9-10 triệu tấn gạo, phấn đấu đến năm 2030, thậm chí là sớm hơn nữa đạt mục tiêu này ở phân khúc cao. Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu phải quy hoạch vùng nguyên liệu mang tính ổn định, lâu dài với nguyên tắc chất lượng cao, phát thải thấp; các địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành quy hoạch này trong quý II/2025.

Đề cập việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao xứng tầm Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng cùng các doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng bằng được các thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới; đi đôi với đó là mẫu mã, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý… "Cơ chế, chính sách phải ưu đãi, thể chế phải ưu tiên", Thủ tướng nêu rõ, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc huy động nguồn vốn hỗ trợ, trong đó ngân hàng hỗ trợ bằng các gói tín dụng cho các đối tượng cần thiết; từ nay đến cuối năm cần nghiên cứu đề ra chính sách tín dụng ưu đãi cho lúa gạo; sang năm 2025, cần nghiên cứu, huy động gói tín dụng khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho Đề án này; các ngân hàng cũng phải tăng cường cho các doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ mua sắm vật tư, giống, phát triển sản xuất kinh doanh.

Về vay vốn của các đối tác phát triển, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm vay và về cấp phát lại; lập quỹ hỗ trợ 1 triệu ha gồm vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hoá.

Về phát triển thị trường, Thủ tướng giao Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao kết nối thị trường trong nước với ngoài nước, với các doanh nghiệp; phải đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản xuất, sản phẩm. Nhấn mạnh cần tích cực chống biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở, hạn hán, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án tổng thể về việc này, có phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương; đề nghị tổng kết mô hình này đang được thực hiện tốt ở Cà Mau.

Thủ tướng nêu rõ, Đề án phải mang tính tổng thể và hết quý I/2025 phải hoàn thành; bảo đảm mục tiêu phát thải thấp, giảm khí methane trong nông nghiệp, tăng cường bán tín chỉ carbon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phụ trách việc này.

Theo Thủ tướng, cần phát triển các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với các địa phương, hợp tác xã, các hộ nông dân với nhau để tiêu thụ lúa gạo; phát triển nhiều sản phẩm lúa gạo; kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư với các cơ chế ưu đãi, thuận lợi về thủ tục.

Thủ tướng nhấn mạnh cần coi trọng sức mạnh của Nhân dân, tập hợp lực lượng của lực lượng nông dân thông qua hệ thống các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã… để nông dân tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc; cuộc cách mạng về lúa gạo không thể thiếu sức mạnh của người dân; vấn đề là tạo lợi ích vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Thủ tướng cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển hợp tác trong lĩnh vực này. Nhân dịp này Thủ tướng cảm ơn sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Đề án này ngay từ đầu; cần tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới; các bộ, ngành đơn giản hoá các thủ tục, hài hoà hoá các thể chế để đạt được tiếng nói chung.

Các bộ, ngành, địa phương phải liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp; phối hợp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân; cần thiết thì phải có Ban Chỉ đạo liên ngành, phải hoạt động thật sự và trách nhiệm. Thực hiện "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện.

Về việc ký kết hiệp định với WB, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc ngay với WB để cụ thể hoá vấn đề này. Thủ tướng cũng nêu rõ, cần phải phát triển hạ tầng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó phát triển hệ thống đường cao tốc ở khu vực, phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa, sân bay; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng khẳng định, qua Hội nghị này, ý thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương đã nâng lên, do đó Thủ tướng yêu cầu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự giác, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan./.

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.