Những vùng đất khó tiếp cận thông tin
Dốc Mây là bản xa nhất của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Để đến bản của đồng bào Bru-Vân Kiều này, phải vượt qua hàng chục km đường rừng. Giao thông quá khó khăn; thành ra 26 hộ, với 138 nhân khẩu tại đây vẫn là hộ nghèo sống cảnh “6 không”: không đường, không điện, không trạm, không chợ, không sóng truyền hình, không sóng điện thoại.
Ở địa bàn xa ngái và nhiều hạn chế nên việc kết nối với người dân địa phương, các hoạt động tuyên truyền, vận động và phổ biến các chủ trương, chính sách đến với bà con gặp rất nhiều khó khăn. Khi công tác tuyên truyền, vận động bị hạn chế, thì việc thay đổi nhận thức, tư duy cho đồng bào cũng vô cùng gian nan. Thế nên, cái nghèo, cái khổ cứ thế đeo bám cuộc sống người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) Phạm Trung Đông chia sẻ: Ngoài hỗ trợ từ xã Trường Sơn, UBND huyện đã bảo đảm thêm từ 20-25 triệu đồng/tháng mua gạo giúp bà con. Còn để đầu tư đường giao thông vào bản cũng mất hơn 40 tỷ đồng, là số tiền quá lớn đối với địa phương. Thiếu đường, điện, nước, y tế nên nơi đây càng khó khăn hơn.
Nhiều bản ở xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) cũng sống cảnh “5 không”, “6 không” nên việc tiếp cận thông tin rất khó khăn. Không được tiếp cận thông tin đầy đủ, dẫn tới suy nghĩ, nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không đầy đủ, cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật, có tư tưởng ỉ lại, thiếu ý chí vươn lên.
Giảm nghèo thông tin là một trong 6 mục tiêu giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin). Trong đó, sự thiếu hụt thông tin với đồng bào DTTS, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được xét trên 2 tiêu chí: Sử dụng dịch vụ viễn thông (hộ gia đình không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet) và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin (hộ gia đình không có phương tiện nào trong số các phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin: Phương tiện dùng chung gồm tivi, radio, máy tính để bàn, điện thoại; phương tiện cá nhân gồm máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh).
Theo ông Hoàng Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình, có nhiều khó khăn, hạn chế dẫn đến người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin. Đó là ở những bản làng chưa có điện lưới dẫn đến việc triển khai tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảm nghèo thông tin không kịp tiến độ đề ra.
Bên cạnh thiếu phương tiện nghe, nhìn thì việc không có điều kiện để chi trả phí sử dụng dịch vụ, cũng là những yếu tố cản trở bà con vùng đồng bào DTTS&MN tiếp cận thông tin. Mặt khác, cũng do nhận thức, suy nghĩ của một bộ phận người dân còn hạn chế, “lười, ngại” tìm hiểu thông tin, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; cùng với không đọc thông viết thạo tiếng phổ thông cũng dẫn đến hạn chế tiếp cận thông tin.
Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh Quảng Bình có 148/151 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh. Trong đó, có 83/151 xã phường thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; 05/151 xã, phường, thị trấn chưa có đài truyền thanh cơ sở.
Nỗ lực phủ sóng thông tin đến mỗi người dân
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình đã tham mưu ban hành các kế hoạch tuyên truyền, đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Nhìn từ xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa). Từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông của địa phương này đã đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho người dân. Mỗi ngày, Đài truyền thanh Dân Hóa phát sóng vào các khung giờ cố định (từ 5 - 6 giờ, 11 - 12 giờ và 17 - 18 giờ) để phục vụ người dân trên địa bàn.
Ông Đinh Văn Chinh - Chủ tịch UBND xã Dân Hoá cho biết: Trước đây, việc tuyên truyền chủ yếu thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt hoặc tuyên truyền lưu động nên tần suất và hiệu quả chưa cao. Từ khi có Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, mọi việc trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Đài truyền thanh đi vào hoạt động góp phần đưa đến những chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân trên địa bàn.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư thiết lập mới 1 đài truyền thanh cho xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy); nâng cấp, mở rộng hoạt động của đài truyền thanh cho 4 xã Trọng Hóa, Dân Hoá (huyện Minh Hóa); Lâm Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy).
Ông Hoàng Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình nói thêm: Chúng tôi đang đặt ra mục tiêu 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt công tác thông tin tuyên truyền. Nhiệm vụ này cũng góp phần hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thị trường lao động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo thông tin, bên cạnh việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin ở cơ sở, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ đặt hàng sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm báo điện tử và các sản phẩm truyền thông đa phương tiện cung cấp thông tin thiết yếu cho 151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (trong đó có 11 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) để đăng, phát trên trang thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, hệ thống đài truyền thanh cấp xã.
Cùng với đó, thiết lập cụm thông tin điện tử phục vụ tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo; tuyên truyền tại khu vực biên giới và cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới. Thông qua các tin, bài tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS&MN về kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa, từ đó có tư duy, ý chí làm ăn, phát triển kinh tế...