Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn

Quỳnh Trâm - 14:15, 05/10/2020

Các chị đều là người DTTS, sinh ra và lớn lên ở miền núi, nơi điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua rào cản về địa lý, điều kiện sống, phong tục tập quán lạc hậu, có chị trở thành cán bộ năng nổ, tiên phong trong các hoạt động xã hội, làm kinh tế giỏi; có chị thay đổi nhận thức đầu tư cho con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn…

Chị Triệu Thị Lầu làm đủ việc để kiếm tiền cho con ăn học.
Chị Triệu Thị Lầu làm đủ việc để kiếm tiền cho con ăn học.

Giỏi việc xã hội, đảm việc nhà

Chị Nguyễn Thị Liên, dân tộc Mường được biết đến là một Chi Hội trưởng năng nổ trong các hoạt động của Chi hội Phụ nữ An Lão, thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Đặc biệt, chị là tấm gương vượt khó làm kinh tế giỏi cho các chị em học tập làm theo.

Chị Liên chia sẻ, ở miền núi lợi thế nhất là có nhiều đồi núi, đất đai và khí hậu để trồng rừng. Tham gia công tác xã hội nên chị cũng tìm hiểu, học hỏi và tích lũy được một số thông tin, kiến thức để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Chị Liên bắt đầu với việc chăn nuôi và trồng cây công nghiệp ngắn ngày. Ban đầu với quy mô nhỏ để thử và rút kinh nghiệm, sau thời gian đầu thành công, chị quyết định mở rộng quy mô. Hiện nay trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Liên có nguồn thu hơn 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí.

Với vai trò Chi Hội trưởngPhụ nữ, chị thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn cách làm ăn, làm việc tại trang trại để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống; cho vay vốn, giống và hướng dẫn các chị tổ chức sản xuất.

“Chị em gặp khó khăn tìm đến, mình sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Chi hội có hoạt động gì, mình cũng hỗ trợ kinh phí để thu hút thêm nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn cùng tham gia, giúp mọi người vươn lên trong cuộc sống”, chị Liên chia sẻ.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Liên đã trở thành địa chỉ cho nhiều phụ nữ địa phương học tập kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, Chi hội Phụ nữ An Lão có khoảng 70% gia đình hội viên có thu nhập khá; nhiều năm liền là Chi hội vững mạnh, xuất sắc.

Học cái chữ để cuộc sống tốt hơn

Tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chị Triệu Thị Lầu, dân tộc Thái ở bản Hạ Sơn, vốn là một phụ nữ nghèo, nhưng đã nuôi dạy 4 người con thành đạt.

Chị Lầu chia sẻ, ở địa phương đa phần bà con vẫn quanh quẩn trong cái nghèo. Nỗi lo cơm ăn, áo mặc nhiều hơn mối quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Chị thì khác: “Cuộc đời cha mẹ không được học hành, thiếu kiến thức để làm kinh tế nên mới khó khăn như vậy, không thể để con cái như mình nữa. Phải cho chúng học cái chữ thì mới có cuộc sống tốt hơn”.

Bởi thế, dù khó khăn đến mấy, chị cũng bàn bạc với chồng không bắt các con nghỉ học, gắng lao động để chu toàn chuyện học hành cho các con. Ngay ở đô thị, gia đình có điều kiện mà có 4 con đi học cũng thực sự là gánh nặng; huống hồ gia đình chị Lầu thuộc hộ nghèo, càng khó khăn gấp nhiều lần. Cũng may, các con chị không phải đóng học phí, nên chị chỉ phải lo cho chúng cái ăn, cái mặc. Vợ chồng chị đã phải làm đủ việc tăng gia sản xuất, vào rừng kiếm thêm củ măng, lá thuốc mang bán kiếm tiền cho con ăn học.

Không phụ lòng bố mẹ, 4 người con của chị đều có thành tích học tập tốt. Hiện nay, con trai cả của chị là Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Hạ Sơn. Con thứ hai là giáo viên Trường Dạy nghề của huyện. Con thứ ba là Phó Trưởng Trạm Y tế xã Pù Nhi. Còn cậu con út sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân đã trở về công tác tại Công an huyện Mường Lát.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, chị Lầu nói: “Chỉ cần chúng ta có ý chí và không ngừng cố gắng thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua hết”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.