Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Ninh Thuận huy động được trên 1.500 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 2/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 33/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 60/254 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, trong đó 5 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, tỉnh Ninh Thuận xác định mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021- 2025 đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trước giai đoạn 2021-2025 để phấn đấu đạt chuẩn cao hơn; Duy trì và giữ vững các xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Ninh Thuận phấn đấu trong năm 2024 sẽ có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 78 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, tỉnh sẽ duy trì tỷ lệ giảm nghèo hàng năm theo kế hoạch đề ra theo từng đối tượng, địa bàn. Riêng các xã đặc biệt khó khăn khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phấn đấu giảm nhanh tổng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo để đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều dưới 13%.
Bên cạnh đó, Kế hoạch còn đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả; cụ thể như sau: Công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn; Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Quy hoạch; Phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Phát triển Giáo dục, Y tế, Văn hóa và Môi trường;
Cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Quốc phòng và an ninh;
Các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các Chương trình chuyên đề gắn với xây dựng nông thôn mới tập trung đẩy nhanh tiến độ, trình phê duyệt và triển khai hiệu quả các mô hình để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.