Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ninh Thuận phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược để phát triển nhanh và bền vững

PV - 17:10, 17/04/2022

Ngày 17/4, tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý I/2022; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và xử lý một số kiến nghị, đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, năm 2021, một số lĩnh vực của tỉnh có chuyển biến tích cực, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong khu vực. Nổi bật là GRDP tăng 9%, đứng thứ 4 cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, quy mô nền kinh tế gấp 1,15 lần so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 24,6%, đứng đầu cả nước, năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8% tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành, đóng góp 6,84% tăng trưởng chung. Tỉnh tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn. Nhiều dự án động lực quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ như: Cảng tổng hợp Cà Ná; các dự án du lịch; các dự án năng lượng tái tạo.

Đến cuối năm 2021, tỉnh có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW vận hành thương mại với quy mô nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, phát điện hơn 4,7 tỷ kW giờ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh… Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển, tạo được sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên. Từ năm 2019 - 2021, Ninh Thuận thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, tạo tiền đề hướng đến mục tiêu tự chủ ngân sách.

Tham gia ý kiến tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương nhận định, nếu Ninh Thuận có các quyết sách, định hướng, giải pháp phù hợp sẽ “đánh thức” các tiềm năng, lợi thế và sẽ trở thành một cực tăng trưởng của vùng và cả nước, đặc biệt khi phát huy được các lợi thế về cảng nước sâu Cà Ná, sân bay Thành Sơn…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà tỉnh Ninh Thuận đạt được trong năm 2021 và quý I/2022; nêu rõ, Ninh Thuận là mảnh đất hội tụ nhiều giá trị khác biệt nhưng chưa phát huy hiệu quả đúng tầm, hạ tầng chiến lược chưa hoàn thiện, tỉnh cần biến thách thức thành cơ hội, biến các cơ hội thành động lực mới, nguồn lực mới, tạo cảm hứng mới, không gian mới cho sự phát triển, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thủ tướng phân tích kỹ về các tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn, đồng thời gợi mở các nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Ninh Thuận cần tập trung thực hiện thời gian tới. Hiện, Ninh Thuận chưa hoàn thiện được hạ tầng chiến lược, mặc dù có các đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Tỉnh còn thiếu một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Phương thức huy động nguồn lực ngoài khu vực nhà nước bằng hợp tác công tư chưa nhiều. Các cơ quan Trung ương đã quan tâm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận nhưng chưa đầy đủ, toàn diện. Ninh Thuận đã cố gắng, mang lại hiệu quả, nhưng cần tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Sau khi phân tích thêm một số tiềm năng, lợi thế so sánh của Ninh Thuận, Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo tình hình thời gian tới sẽ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, Ninh Thuận cần sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh, nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được qua các thời kỳ, chủ động, sáng tạo, bình tĩnh xử lý các vấn đề mới phát sinh phù hợp tình hình. Phải tiếp tục đổi mới với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, tạo động lực mới, cảm hứng mới, không gian mới để phát triển. “Nguồn lực xuất phát từ tư duy, còn tầm nhìn chiến lược sẽ phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Tỉnh cần tự lực, tự cường, đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển và mảnh đất" của mình, không trông chờ, ỷ lại để vượt qua khó khăn, thách thức, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cùng với phát huy những thành quả, tiềm năng đã có, chú trọng phát huy hơn nữa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chủ động tạo ra những cơ hội phát triển mới từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng lưu ý, cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả. Trong bối cảnh công việc nhiều, thời gian, nguồn lực có hạn, mâu thuẫn, thách thức còn nhiều, tồn tại, hạn chế không ít, phải thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu dứt điểm đến đó, việc nào xong việc đó, tập trung vào các khâu đột phá về thể chế, hạ tầng… Phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn, xã hội. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình phát triển, dứt khoát không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Lấy con người là trung tâm và là chủ thể, là mục tiêu, là động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tỉnh Ninh Thuận cần biến thách thức thành cơ hội, biến các cơ hội thành động lực mới, nguồn lực mới, tạo cảm hứng mới, không gian mới cho sự phát triển. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tỉnh Ninh Thuận cần biến thách thức thành cơ hội, biến các cơ hội thành động lực mới, nguồn lực mới, tạo cảm hứng mới, không gian mới cho sự phát triển. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận cần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng xác đáng của Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học.

Chú ý phát triển dân số một cách khoa học, hợp lý trong bối cảnh “đất rộng, người thưa”, bởi nguồn lực con người là quan trọng nhất. Xác định rõ trụ cột để phát triển như năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất. Tiếp tục xây dựng, bổ sung quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, hóa giải các thách thức, khắc phục các hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài, tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế, xã hội.

Thủ tướng gợi ý việc xây dựng tuyến đường kết nối Ninh Thuận với Đắk Nông và Tây Nguyên; nghiên cứu, tính toán việc luyện nhôm từ nguồn nguyên liệu Alumina với lợi thế về nguồn điện tại địa phương.

Tỉnh cần tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine đã đề ra. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Để phát triển kinh tế biển toàn diện hơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ngư dân tiếp tục góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, không đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.

Đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng phân tích những thuận lợi về vị trí, các điều kiện khác của sân bay Thành Sơn, đồng ý về chủ trương bổ sung quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay quân sự kết hợp với dân dụng trong bối cảnh các sân bay của Việt Nam về cơ bản đều là lưỡng dụng. Điều này sẽ giúp Ninh Thuận có động lực mới để phát triển đột phá trong thời gian tới. Hiện, các cơ quan đang trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng cho biết sẽ thành lập một Tổ công tác để khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng thể về các vấn đề, đề xuất liên quan tới các sân bay, báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Về kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná (diện tích 827 ha, tổng vốn đầu tư 5.464 tỷ đồng), Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật trên tinh thần tạo điều thuận lợi cho thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào Quy hoạch tỉnh; trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.