Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm vui của những công dân mới

Quỳnh Chi - 22:07, 29/01/2020

Với những người di dân tự do từ Lào đang sinh sống và kết hôn không giá thú với người Việt Nam, sống định cư lâu dài tại các địa bàn biên giới, được nhập quốc tịch Việt Nam là niềm vui lớn. Tết này, khi trở thành công dân Việt Nam, họ không những được thụ hưởng những chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước mà xa hơn là có một cuộc sống ổn định.

Miền biên viễn Mường Lát đang “thay da đổi thịt” hằng ngày
Miền biên viễn Mường Lát đang “thay da đổi thịt” hằng ngày

Năm 1994, người thanh niên Lam Phon, sinh năm 1959, từ bản Phun Xay, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã sang Việt Nam chơi và gặp cô gái dân tộc Thái là Hà Thị Thiên (SN 1955) ở bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Hai người nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Từ đó, Lam Phon ở lại Việt Nam và lấy tên là Hà Văn Mồn.

25 năm sống bên nhau, có với nhau 1 người con chung, ông bà vẫn chưa trở thành vợ chồng hợp pháp bởi chưa đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi ông Hà Văn Mồn được nhập quốc tịch Việt Nam, ông bà mới chính thức “thành vợ, thành chồng”.

Với giọng nói tiếng Việt lơ lớ, nụ cười luôn thường trực trên môi, ông Mồn chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã trở thành công dân Việt Nam, đây là điều mà tôi đã chờ đợi nhiều năm qua. Tôi cảm ơn Nhà nước Việt Nam, cảm ơn chính quyền huyện Mường Lát đã luôn tạo điều kiện để tôi có được cuộc sống hạnh phúc ở đây”.

Ông Mồn cho biết, cuộc sống ở Việt Nam khác nhiều so với quê nhà ông ở Lào, dù khoảng cách địa lý chỉ chừng hơn 14km. Nhưng nay ông đã quen, đã là một cư dân của thị trấn Mường Lát. Trong một ngôi nhà nhỏ ở thị trấn, hằng ngày bà Thiên đi chợ bán xôi, rau, ông ở nhà làm công việc hàn xì; cuộc sống dẫu còn vất vả, khó khăn nhưng họ thật hạnh phúc và bình yên.

“Hai vợ chồng tôi được Nhà nước cấp cho gà, lợn, bò để nuôi, còn có 12 thửa ruộng để phát triển sản xuất. Chưa bao giờ chúng tôi hạnh phúc như thế này, giờ thì không còn phải lăn tăn gì nữa, hai vợ chồng đã yên tâm là sẽ được bên nhau mãi mãi”, ông Mồn vui vẻ nói.

Cũng như ông Mồn, anh Lương Văn Ke (sinh năm 1972, tên tiếng Lào là Say Phon, đến từ bản Piềng Khạy, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào), hiện trú tại bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Anh Ke cho biết, anh lấy chị Lộc Thị Yến (sinh năm 1975) làm vợ và đưa về Lào sinh sống từ năm 2003. Tuy nhiên, từ năm 2005, do thương bố vợ ở Việt Nam sống một mình nên 2 vợ chồng khăn gói về quê vợ sống.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, anh Ke cùng 2 người con của người vợ trước (đã mất, quốc tịch Lào) được nhập quốc tịch Việt Nam. Các con anh được đặt tên Việt Nam và đang theo học tại Trường THPT Mường Lát.

 Vợ chồng ông Hà Văn Mồn vui vẻ khoe tờ đăng ký kết hôn
Vợ chồng ông Hà Văn Mồn vui vẻ khoe tờ đăng ký kết hôn

“Từ nay chúng tôi được hưởng mọi chế độ, chính sách giống như người địa phương. Chỉ cần lao động chăm chỉ và chấp hành theo pháp luật Việt Nam, thì sẽ không có gì phải lo lắng”, anh Ke hồ hởi nói.

Theo số liệu của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 51 người Lào cư trú trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đồng ý cho nhập quốc tịch Việt Nam; trong đó huyện Mường Lát có 44 người, huyện Quan Sơn có 7 người.

Ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa cho biết, trải qua nhiều năm cư trú, làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay phần lớn các cư dân này đã thực sự hòa nhập với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trước kia chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cháu của họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ.

Từ dấu mốc quan trọng này, những ai chưa đăng ký khai sinh sẽ được cấp giấy khai sinh, ai chưa đăng ký kết hôn sẽ được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Những công dân mới nhập quốc tịch này sẽ được đăng ký hộ khẩu và cấp các giấy tờ nhân thân, được hưởng các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp nhằm từng bước ổn định cuộc sống của mình. Khi đã được nhập quốc tịch Việt Nam, những người này sẽ là cầu nối để củng cố mối quan hệ truyền thống giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn, và thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại vốn có giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.