Thôn Tầu Tiên có 120 hộ gia đình, với 528 nhân khẩu, chủ yếu người Dao sinh sống, là trung tâm phát triển của 6 thôn vùng còn lại ở xã Đồn Đạc. Trong những năm gần đây, phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Hiện, thôn Tầu Tiên đã có 1 hợp tác xã sản xuất, cung cấp giống cây trồng rừng; trên 10 hộ kinh doanh ô tô vận tải chở keo, quế; kinh doanh cá thể nhỏ lẻ…
Anh Triệu Văn Tuấn, một người dân trong thôn phấn khởi cho biết: “Giờ kinh tế nhà nhà phát triển lên nhiều rồi, không còn nghèo như trước nữa. Đó cũng nhờ đóng góp rất lớn của bác Thoòng đấy”.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2018, gia đình ông Chíu Sồi Thòong đã mạnh dạn trồng cây quế vào những diện tích keo vừa khai thác. Hiện toàn bộ diện tích rừng trên 4ha của gia đình ông Thòong đều trồng quế, loại cây nằm trong danh mục cây trồng rừng gỗ lớn. Đặc biệt, sau các khóa tập huấn về đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cũng như những nghiên cứu của mình về lợi ích kinh tế, môi trường mang lại từ loại rừng này, ông Thoòng đã tích cực vận động gia đình, người thân, người dân trong thôn Tàu Tiên chuyển đổi cơ cấu cây rừng, giảm dần diện tích rừng gỗ nhỏ là những cánh rừng keo sang tăng dần diện tích rừng gỗ lớn và các loại cây bản địa...
Ông Chíu Sồi Thoòng cho biết, đối với cây quế, rất dễ trồng, lớn nhanh, chịu được gió bão hơn cây keo. Với những cánh rừng keo 5, 6 tuổi đã khai thác, người dân chỉ thu được khoảng 70 triệu đồng/ha. Trồng rừng gỗ lớn với những loại cây quế, sa mộc, dổi, lim... mặc dù thời gian canh tác khoảng 10 – 12 năm tuổi nhưng đạt thu nhập cao khoảng 350-450 triệu đồng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, với vai trò là Người có uy tín , ông Chíu Sồi Thoòng đã ra sức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
“Với vai trò là Người có uy tín, tôi thấy mình cần phải làm gương, tiên phong đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhất là việc thực hiện các Chương trình MTQG, các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thì khi vận động bà con noi theo”, ông Thòong chia sẻ.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, thôn Tầu Tiên đã có 32 hộ tham gia trồng 61ha rừng (lim, lát, giổi, sa mộc, quế); cây dược liệu quý (trà hoa vàng, tài lệch)… Hiện tại, người dân trong thôn đã trồng được 3,5 vạn cây quế, 1,6 vạn cây keo, cam…đem lại hiệu quả cao kinh tế hộ gia đình.
Ông Triệu Quý Làu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, khẳng định: "Từ tinh thần trồng rừng gỗ lớn của ông Chíu Sồi Thoòng, bà con trong thôn đã tích cực làm theo. Nhờ đó mà Tầu Tiên đang là thôn có kết quả tốt nhất xã trong trồng rừng gỗ lớn. Đây sẽ là tiền đề, động lực để xã Đồn Đạc đẩy mạnh mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, phát triển mạnh mẽ sau xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển về kinh tế lâm nghiệp”.
Việc phát triển rừng gỗ lớn, khai thác, chế biến lâm sản từ rừng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, không chỉ đem lại thu nhập cao, cải thiện điều kiện kinh tế cho người dân mà còn có tích lũy, vươn lên làm giàu và phát triển ổn định, bền vững. Ở đó, vai trò của những Người có uy tín như ông Chíu Sồi Thoòng có tác động lớn đến nhận thức của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế địa phương.