Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những thông điệp bảo vệ môi trường bằng màu sắc

PV - 11:01, 18/09/2018

Cuối tháng 8 vừa qua, Chương trình vẽ bích họa với chủ đề “Tôi yêu biển đảo/Sinh ra để sống hoang dã” tại đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã hoàn thiện thêm 12 bức tranh về thiên nhiên hoang dã, bảo tồn rùa biển và bảo vệ môi trường, góp phần gieo tình yêu biển đảo tới nhân dân và du khách.

baodantoc_mau_sac Những thông điệp bảo vệ môi trường trong những bức bích họa trên đảo Bé.

Những thông điệp bảo vệ môi trường

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ bãi rùa đẻ dựa vào cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý rùa biển tại Việt Nam” do Quỹ bảo tồn rùa biển và Cơ quan nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ-US Fish anh Wildlife Service tài trợ nhằm chia sẻ những thông điệp mới về bảo vệ môi trường, những sinh vật biển quý hiếm như rùa biển khỏi tác động của con người và rác thải. Hoạt động vẽ tranh bích họa trên đảo An Bình do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) phối hợp cùng Khu bảo tồn biển Lý Sơn và huyện đảo Lý Sơn tổ chức thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thùy Anh, cán bộ truyền thông tổ chức IUCN cho biết, Chương trình vẽ bích họa tại đảo Bé được thực hiện lần đầu vào tháng 6/2017 với 10 bức bích hoạ trên tường nhà của các hộ dân sống trên đảo. Sau đợt thực hiện năm 2018, đã có 22 bức bích họa lớn được thực hiện tại đảo Bé. Ngoài vẽ những bức tranh bích họa lớn, nhóm tình nguyện viên còn quét dọn, sơn, tân trang cho nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, bạc màu vôi cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Cả những lu, vại đựng nước trong các gia đình cũng được trang trí để có thêm không gian độc đáo, thú vị.

Các bức bích họa đều được gửi gắm ý tưởng tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Cạnh mỗi hình vẽ đều có thông điệp “Sinh ra để sống hoang dã”, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có rùa biển; tuyên truyền giúp người dân thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày như không xả rác, túi nilong bừa bãi xuống biển.

Những bức bích họa này được IUCN tập hợp từ các chương trình phát động sáng tác tranh trước đó, với sự tham gia tích cực của các họa sĩ chuyên và không chuyên trong cả nước. Bạn Nguyễn Thanh Được (xã An Bình, huyện Lý Sơn) chia sẻ, để hoàn thiện được hơn 20 bức bích họa này, các nhóm họa sĩ đã làm việc hết mình, bất kể thời tiết mùa hè nóng nực trên đảo hay những thiếu thốn về vật chất. Nhìn mồ hôi, công sức của những người bạn từ khắp nơi dành cho quê hương mình, mọi người dân trên đảo đều trân trọng và có ý thức giữ gìn hơn.

Trước đó, IUCN cùng các đối tác Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn), Khu bảo tồn biển Lý Sơn thực hiện Chương trình “Giảm một chai, Cứu tương lai” tại huyện đảo Lý Sơn, kêu gọi các khách sạn và doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Lý Sơn cấp nước miễn phí cho khách du lịch thay vì các sản phẩm chai nhựa dùng một lần, khuyến khích cộng đồng địa phương có ý thức thu gom và tái sử dụng rác thải nhựa.

Khơi dậy tình yêu biển đảo

Lần đầu đặt chân tới đảo Bé, bạn Nguyễn Hiếu Hạnh, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) rất thích thú ngắm nhìn những bức họa rực rỡ sắc màu chiếm trọn những mảng tường nhà, những hình vẽ nhỏ nhỏ trên ô cửa sổ, lan can, lu nước… “Tôi được biết đến những bức bích họa này khi thấy những bạn trẻ đi du lịch về chia sẻ ảnh chụp tại đây, tôi lập tức bị mê mẩn và quyết tâm phải tới đảo Bé để được trải nghiệm”.

Trong những năm gần đây, Lý Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng. Bà con đảo Bé cũng đã chuyển đổi sinh kế, từ ngư nghiệp, nông nghiệp sang làm dịch vụ, phục vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, các dịch vụ trải nghiệm cho du khách khi tới đảo. Việc chuyển đổi này vừa giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thủy sản, vừa là hướng đi bền vững để bảo tồn thiên nhiên, giúp thu hút ngày càng đông đảo du khách về với vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.

MINH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.