Cô gái dân tộc Giáy và hành trình chạm tay vào chiếc Huy chương Bạc thế giới
Cuối năm 2018, cái tin Hoàng Thị Duyên, cô gái người Giáy, quê Lào Cai đoạt Huy chương Bạc thế giới môn cử tạ đã làm bất ngờ cho bao người. Ít ai biết rằng, để có được thành tích này Duyên đã phải trải qua bao khó khăn vất vả, kể cả việc phải giấu cha mẹ đi tập trong những ngày đầu.
Huấn luyện viên Nguyễn Cao Hùng của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Lào Cai đánh giá: “Đức tính quý nhất của Duyên là kiên trì và chăm chỉ luyện tập, nên em tiếp thu và nắm vững kỹ, chiến thuật cũng như các thao tác chuẩn của môn cử tạ, nhất là cử giật. Cũng qua luyện tập, Duyên đã rèn cho bản thân tính tự tin và khát vọng vươn lên”.
Bằng sự quyết tâm khổ luyện, ý trí vươn lên cô gái miền sơn cước Hoàng Thị Duyên đã từng bước gặt hái những thành công vang dội. Em đã đoạt nhiều huy chương tại các giải cử tạ toàn quốc, châu Á và đặc biệt tháng 11/2018, tại Giải vô địch cử tạ thế giới tổ chức tại Turkmenistan, ở hạng 59kg, Hoàng Thị Duyên đã vượt qua nhiều vận động viên ở các cường quốc về cử tạ như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…
Bằng kỹ thuật chắc chắn và quyết tâm cao, Hoàng Thị Duyên đã thi đấu ấn tượng để đạt Huy chương Bạc, mang vinh quang về cho đất nước và quê hương Lào Cai. Cũng nhờ thành tích này, Duyên là VĐV có cơ hội giành một suất tham dự Giải vô địch cử tạ nữ tại Olympic Tokyo Nhật Bản vào năm 2020.
Hiện nay, Duyên đang cùng đội tuyển cử tạ quốc gia tập huấn bên Trung Quốc để chuẩn bị cho Sea games 30 sắp tới. Chúc em sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Tiến sĩ trẻ người Hoa và tấm lòng với quê hương
Là một tiến sĩ trẻ được đào tạo bài bản tại các trường đại học hàng đầu thế giới, anh Vòng Bính Long, sinh năm 1984 dân tộc Hoa hoàn toàn có thể lựa chọn môi trường làm việc ở quốc tế. Song, anh đã chọn về quê hương với mong muốn đóng góp cho sự nghiệp y học nước nhà.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, anh Vòng Bính Long là một trong 2 sinh viên lúc bấy giờ được giữ lại trường để tiếp tục nghiên cứu. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh Long sang Nhật Bản. Tại Nhật Bản, anh đã có 1 năm làm thực tập sinh, 3 năm học tiến sĩ và 3 năm nghiên cứu sau tiến sĩ. Trong suốt 7 năm học và nghiên cứu ở Nhật Bản, anh Long đã có 15 công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín.
Học về sinh hóa nhưng anh Long lại thích nghiên cứu về vật liệu điều trị trong ngành Y. Trăn trở về việc điều trị ung thư hiện nay, anh Long cho biết: “Ví dụ ung thư đại tràng, nếu uống các loại thuốc thông thường thì rất dễ bị phân hủy trong đường tiêu hóa, lượng thuốc đi trực tiếp đến đại tràng là rất thấp. Chính vì thế, nên anh đã nghiên cứu vật liệu nano bao các dược chất để phóng thích tập trung tại đại tràng nơi bị viêm, bị ung thư thì hoạt tính của thuốc sẽ tăng lên rất nhiều và còn giúp làm giảm tác dụng phụ của thuốc”.
Những công trình nghiên cứu tiếp theo, anh tập trung hướng nghiên cứu làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư. Những công trình này của anh cũng đã được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Sau 7 năm tại Nhật Bản, với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ và mặc dù được các giáo sư giữ ở lại nhưng anh Long vẫn quyết định về nước. Chia sẻ về vấn đề này, anh Long tâm sự: “Biết điều kiện cơ sở vật chất ở quê nhà còn hạn chế và không thể đáp ứng được quá trình nghiên cứu tốt như khi ở nước ngoài, nhưng mình nghĩ, tại sao các anh chị đi trước có thể làm được mà mình lại không? Mình còn trẻ và còn có thể cống hiến cho đất nước. Thế là mình quyết tâm trở về”.
Mong ước mà anh nhắc đến ở đây chính là về nước phát triển liệu pháp điều trị bằng thuốc nano, lĩnh vực mà anh cho rằng, ở Việt Nam còn rất sơ khai. Anh hy vọng rằng, những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới sẽ góp phần giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư của Việt Nam được hưởng lợi.