Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những ngôi nhà “Ý Đảng lòng dân” ở huyện biên giới Đăk Glei

Ngọc Chí - 14:28, 10/10/2024

Những ngôi nhà tạm, nhà dột nát của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo trên địa bàn huyện biên giới Đăk Glei (Kon Tum) đang dần được thay thế bằng những căn nhà xây kiên cố và khang trang. Những sự đổi thay đó là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Nhiều căn nhà mới xây dựng kiên cố đã làm thay đổi diện mạo thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei
Nhiều căn nhà mới xây dựng kiên cố đã làm thay đổi diện mạo thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei

Chủ trương giúp dân xóa nhà tạm

Huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có hơn 86% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Gié Triêng, Xơ Đăng. Những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp đồng bào DTTS xóa nhà tạm. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS ở nhà tạm vẫn còn nhiều.

Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Xác định việc xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là một trong những tiêu chí quan trọng giúp đồng bào DTTS hiện đang khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất, từ đó chú trọng phát triển kinh tế gia đình để có thêm thu nhập, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã trình Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum cho chủ trương kêu gọi, hỗ trợ để thực hiện Phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn huyện.

Ông Thái Văn Tưởng (bên trái) – Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm hỏi và kêu gọi hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ gia đình ông A Đêu, thôn Chung Năng, thị trấn Đăk Glei
Ông Thái Văn Tưởng (bên trái) – Bí thư Huyện ủy Đăk Glei thăm hỏi và kêu gọi hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ gia đình ông A Đêu, thôn Chung Năng, thị trấn Đăk Glei

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổ cấp ủy phụ trách địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân cùng chung tay tham gia xóa nhà tạm cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện hiện đang còn khó khăn về nhà ở (nhà ở hư hỏng dột nát, xuống cấp, không đảm bảo 3 cứng).

Đến nay, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ xây dựng 180 căn nhà cho đồng bào DTTS, trong đó 171 căn xây mới và 09 căn hỗ trợ, cải tạo. Tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Công ty Điện lực Kon Tum tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà cho hộ đồng bào DTTS nghèo xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei
Công ty Điện lực Kon Tum tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao nhà cho hộ đồng bào DTTS nghèo xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei

Ông Nguyễn Văn Hạnh – Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum chia sẻ: Thời gian qua, Công ty cũng thường xuyên hỗ trợ để xóa nhà tạm cho các hộ đồng bào DTTS. Riêng trong năm 2024 này, Công ty đã hỗ trợ 05 căn nhà, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng cho 05 hộ ở thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei. Công ty cũng mong muốn góp một chút công sức để cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giúp các hộ đồng bào DTTS nghèo có nhà ở ổn định, sớm vươn lên thoát nghèo.

Có thể khẳng định, công tác lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei trong việc thực hiện Phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã và đang mang lại hiệu quả rất tích cực, được Nhân dân trên địa bàn huyện đồng tình hưởng ứng tạo được sự lan tỏa rất mạnh mẽ. Trong quá trình triển khai xây dựng, huyện đã huy động các lực lượng tham gia giúp các hộ đồng bào DTTS về ngày công; phân công đảng viên phụ trách các thôn, làng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ đồng bào DTTS xây dựng nhà.

Niềm vui trong những căn nhà mới

Lấy nhau đã gần 10 năm, vợ chồng A Phong và Y Bới (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei mới có được mảnh đất và căn nhà mới. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Trong căn nhà mới dựng, A Phong chia sẻ: Trước đây, do chưa có đất và nhà nghèo nên vợ chồng ở trên chòi rẫy, 4 con không được đi học. Tháng 10/2023, cán bộ thị trấn Đăk Glei lên tận rẫy vận động đưa gia đình về ở khu tái định cư. Về đây thì được cấp 150m2 đất ở, cán bộ huyện, thị trấn quyên góp hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để gia đình mua tôn, mua cây dựng nhà và hỗ trợ thêm 12 cây giống ăn trái để trồng trong vườn. Giờ đây nhà cửa đã ổn, các con đều được đi học, hai vợ chồng cố gắng làm để sớm thoát nghèo, tích lũy thêm tiền để sau này xây nhà rộng hơn.

A Phong (bên phải), thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei phấn khởi khi được cấp đất và hỗ trợ tiền để dựng nhà
A Phong (bên phải), thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei phấn khởi khi được cấp đất và hỗ trợ tiền để dựng nhà

Xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei được xem là 02 xã nghèo nhất tỉnh Kon Tum. Sinh sống nơi đây chủ yếu đồng bào DTTS, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu ở nhà tạm bợ. Năm 2024, từ nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, huyện Đăk Glei đã triển khai hỗ trợ xây dựng hơn 100 căn nhà cho các hộ còn nhà tạm, mỗi căn được hỗ trợ 60 triệu đồng.

Ông A Dũng, thôn Đăk Bối, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Gia đình được Công ty Điện lực Kon Tum hỗ trợ 60 triệu đồng, bà con giúp thêm ngày công xây dựng. Tháng 7/2024 căn nhà hoàn thành trong niềm vui mừng, phấn khởi của gia đình. Giờ đây nhà ở kiên cố không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa đến.

Ông A Thảo – Bí thư Đảng ủy xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã phân công các đồng chí trong cấp ủy phụ trách các thôn chỉ đạo cấp ủy, chi bộ, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên, vận động bà con giúp nhau trong công tác xóa nhà tạm. Qua đó, việc xây dựng nhà đã được thực hiện nhanh hơn và giúp bà con có nhà mới trước khi bước vào mùa mưa.

Ông A Phương (thứ hai từ phải sang) – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei kiểm tra việc hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã Mường Hoong
Ông A Phương (thứ hai từ phải sang) – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei kiểm tra việc hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã Mường Hoong

Ngoài sự quan tâm của các nhà hảo tâm, trong quá trình xây dựng nhà, đồng bào DTTS trên địa bàn xã Mường Hoong và xã Ngọc Linh còn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Trung đoàn 990 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), đoàn viên, thanh niên, lực lượng dân quân, các ngành đoàn thể thôn và nhất là sự tham gia góp công, sức của các hộ gia đình.

Ông Thái Văn Tưởng – Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Ngoài nguồn vốn hỗ trợ, một số hộ gia đình còn chủ động góp thêm tiền để làm nhà rộng rãi, khang hơn. Tuy nguồn vốn gia đình bỏ ra không nhiều, khoảng từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nhưng đã thấy được quyết tâm, mong ước của gia đình về một ngôi nhà mới. Khi có tên trong danh sách được hỗ trợ làm nhà, các hộ gia đình đã chủ động ứng trước nguyên vật liệu từ đơn vị cung ứng để triển khai xây dựng.

Những ngôi nhà mới ấm áp dành cho đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn ở huyện biên giới Đăk Glei là minh chứng của “Ý Đảng lòng dân”, khi chủ trương được đưa ra đã thể hiện được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Qua đó, tạo thêm lòng tin, động lực cho đồng bào DTTS nghèo yên tâm lao động sản xuất, sớm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.