Ngôi nhà úp ngược ở Sa Đéc
Với mong muốn phát triển du lịch dựa vào thế mạnh của làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), năm 2019, anh Trần Thanh Nguyên (xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã xây một ngôi nhà “độc nhất vô nhị” với lối kiến trúc úp ngược mang tên Sa Nhiên Garden, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi ngày.
Ngôi nhà úp ngược được xây dựng “phản quy luật tự nhiên”, tức mái nhà màu đen thì “cắm” xuống đất, phần móng nhà lại “chổng” lên trời. Công trình này có diện tích 70 m2, sức chứa hơn 50 người, được xây dựng trên một mảnh đất rộng 10.000 m2, tổng chi phí gần 800 triệu đồng.
Bên trong nhà úp ngược ở Sa Đéc được xây dựng thành 5 căn phòng đầy đủ như một ngôi nhà bình thường với phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng cà phê và quầy mua bán mini. Mỗi phòng được sơn một màu khác nhau, vô cùng tiện lợi, hiện đại và bắt mắt. Khung cảnh toàn bộ đồ đạc, nội thất như: bàn ghế, giường, tủ, cốc, đèn,… cùng không gian và kiến trúc đều bị “quay cuồng” lộn ngược lại với thế giới bình thường.
"Ngôi nhà điên" kỳ quái tại Đà Lạt
Biệt thự Hằng Nga còn có tên gọi khác là "Ngôi nhà điên" là một ngôi nhà độc đáo và nổi tiếng tại Đà Lạt, bởi lối kiến trúc đặc biệt và không giống ai. "Ngôi nhà điên" tọa lạc tại đường Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) trong một khuôn viên rộng gần 1.600 m2.
Chủ nhân của ngôi nhà này là bà Đặng Việt Nga. Bà Việt Nga từng nhận bằng tiến sĩ ngành kiến trúc tại Moscow. Khi xây dựng công trình này bà mong muốn tạo ra kiến trúc có thể mang con người gần với thiên nhiên và cảnh báo về tác hại khi môi trường bị tàn phá.
Biệt thự "điên" này bao gồm nhiều tòa nhà và nhà khách, quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật...
Ngôi "nhà hang động” tại Hưng Yên
“Ngôi nhà hang động” này của anh Trần Văn Tưởng (SN 1985) nằm ngay quốc lộ 39A thuộc địa phận xã Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ngôi nhà 4 tầng nổi bật bởi lối kiến trúc dị thường và có phần bí ẩn.
Ngôi "nhà hang động” được chủ nhân xây dựng từ năm 2011 và kéo dài trong suốt 3 năm. Nhìn bề ngoài, ngôi nhà được xây dựng theo lối nhà ống quen thuộc của người Việt, tuy nhiên cách trang trí lại có phần khác biệt. Phần ban công và mái của ngôi nhà cong vút như mái chùa.
Đặc biệt, phía trước cổng ngôi nhà đặt hàng chục các bức tượng lớn nhỏ. Trong đó, phần cao nhất là tượng Phật Quan âm, tiếp đến là tượng Vua Hùng và các bức tượng rồng, thần Kim Ngưu, cá chép, ngũ hổ… Ngay lối vào ngôi nhà, anh Tưởng còn tạc một bức chân dung khuôn mặt của chính mình.
Ngoài các nguyên vật liệu như gạch đá, cát sỏi, sắt thép… anh chủ nhân ngôi nhà còn chi không ít tiền để mua đồng, gốm sứ và đá quý để tạo nên những bức tranh tường sống động.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng căn nhà độc đáo này, anh Trần Văn Tưởng cho biết, bản thân anh là họa sĩ, nhà điêu khắc nên muốn tạo ra một tác phẩm để đời cho bản thân. Ngôi nhà được anh ấp ủ khá lâu trước khi bắt tay thực hiện.
Ngôi nhà đồ cổ tại Vĩnh Phúc
Ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có một ngôi nhà gắn đồ cổ độc nhất vô nhị của ông Nguyễn Văn Trường. Với tình yêu đặc biệt với di sản văn hóa truyền thống, từ những năm 90 của thế kỷ XX, ông Trường đã đi sưu tầm, cóp nhặt hàng trăm sản phẩm gốm cổ, sứ cổ ở khắp nơi mang về nhà với ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.
Để thoả lòng đam mê thưởng ngoạn và tiện bề cho bà con dân làng đến tìm hiểu văn hoá, lịch sử hay tìm lại hình ảnh đồ vật xưa trong gia đình, ông trưng bày tất cả cổ vật đã sưu tầm được lên cổng, tường rào, vách nhà, hòn non bộ… Cả không gian choán ngợp bởi trên 4.000 nghìn cổ vật, từ rìu đồng Đông Sơn, mảnh gốm Gò Mun, Phùng Nguyên, vò, hũ thời Hán đến bát, đĩa, ấm,…thời Lý, Trần, Lê…, độc bình, chum, vại,…thời Nguyễn và cả cối giã gạo của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ.
Nổi bật hơn trong không gian trưng bày là bộ sưu tập đa dạng đĩa gốm, sứ ước khoảng 3.800 chiếc phần lớn có niên đại thời Lê Mạc (thế kỷ 17-18), Nguyễn (thế kỷ 19), và đời Thanh (Trung Quốc). Bộ sưu tập đĩa nổi bật ở các mảng trang trí mỹ thuật; về chủ đề thiên nhiên khá phong phú với đề tài: Hoa điểu (chim hoa), Thạch trúc (tre trúc và đá), Tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), Tùng hạc (chim hạc và cây tùng), Lý ngư (cá chép), Phượng vũ (chim phượng)... Bên cạnh đó còn có mảng đề tài vẽ người trong tích truyện như Thất hiền trúc lâm, Lã Vọng, Trà tổ, Phúc lộc thọ…
Điều đặc biệt là mỗi khi có khách đến tham quan ngôi nhà, bằng sự am tường về đồ cổ, ông Nguyễn Văn Trường luôn tường tận, giảng giải cho du khách từ chất liệu, kỹ thuật chế tác, nung lửa đến nghệ thuật trang trí gốm, sứ,… rồi công dụng của từng đồ vật, niên đại lịch sử, xuất xứ từ lò gốm sứ trong nước hay nước ngoài.
Hiện nay, tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Nguyễn Văn Trường luôn trăn trở làm giàu thêm bộ sưu tập của mình. Ông hy vọng các hiện vật của gia đình mình sẽ có ý nghĩa giúp thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử, văn hoá, nhất là văn hoá làng quê đang ngày dần mai một.
Ngôi nhà 420 tấn quay 360 độ ở Bắc Giang
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Lượng (57 tuổi) ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã tận dụng sức nước để vận hành ngôi nhà xoay nặng 420 tấn với công suất điện chỉ tương đương bật 1 chiếc quạt.
Căn nhà xoay có diện tích 172m2, xây trên khu đất 50 năm, rộng 10ha được ông thuê mười mấy năm nay. Từ khi lên ý tưởng (năm 2009), xin được giấy phép xây dựng (năm 2012) đến khi xây xong (2016) là cạn vốn.
Hiện tại, ngôi nhà vẫn chưa hoàn thiện toàn bộ, nhà vệ sinh thì đã lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện hệ thống điện nước khu vực tầng 2. Về phần trang trí, sơn nhà thì toàn bộ đều là bạn bè, người thân đến hỗ trợ.
Điều đặc biệt của căn nhà này là có thể xoay tròn 360 độ, tương tự như bàn xoay trong các nhà hàng và có thể điều chỉnh để nhà xoay theo mọi hướng, với tốc độ quay khác nhau, chậm nhất là 24 giờ/vòng quay, còn nhanh nhất thì người ở trong nhà có thể hơi chóng mặt. Bên cạnh đó, căn nhà còn kết nối hệ thống với điện thoại thông minh để có thể xoay nhà từ xa.
Hiện toàn bộ nhà đều được nổi nhờ hầm phao ngầm có đường kính 12m và hệ thống chân vịt, trục quay, theo thiết kế hoàn hảo. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống điện nước, nước thải sẽ phải có tâm trục, đào rãnh rất sâu và cho thiết bị vào. Nhưng với căn nhà thử nghiệm này, ông bỏ bớt một vài công đoạn để giảm chi phí.
Bên cạnh việc hoàn thành các hạng mục nhà xoay 360 độ, ông Lượng còn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm máy móc cống hoàn toàn bằng công nghệ, giúp giảm nhân lực, tăng năng suất.
Với sự cố gắng, nỗ lực của mình, ông Nguyễn Văn Lượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận bằng sáng chế độc quyền ngôi nhà quay trong bể nước.