Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những nghịch lý trong phụ cấp cho giáo viên vùng khó khăn

PV - 12:18, 07/11/2018

Thời gian qua, nhiều chính sách phụ cấp, trợ cấp đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Tuy nhiên, những chính sách này đã nảy sinh một số hạn chế, vướng mắc, kể cả trong văn bản và việc triển khai thực hiện.

Bài 1: Trợ cấp theo… hộ khẩu!

Công tác ở vùng khó khăn, giáo viên được chi trả phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu cùng với những phụ cấp sinh hoạt khác. Nhưng có nghịch lý là, một số chế độ chỉ thực hiện đối với những giáo viên từ nơi khác chuyển đến, còn với giáo viên có hộ khẩu tại chỗ thì không được thụ hưởng.

Vượt khó gieo chữ

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đứng chân tại bản Mường Lống, cách trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) khoảng 25km đường rừng núi, hiểm trở. Ngoài điểm trường chính, nhà trường còn có 5 điểm trường lẻ khác ở các bản Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 và Nậm Tột với gần 400 học sinh, trong đó, 100% là con em đồng bào dân tộc Mông.

Ngôi trường miền biên viễn này, nổi tiếng ở huyện Quế Phong với biệt danh là trường “nhiều không”: không đường giao thông được “cứng hóa”, không điện lưới, không sóng điện thoại, không nhà vệ sinh, không trạm y tế… Cũng vì quá cách trở mà hàng chục năm qua, trường chỉ toàn thầy giáo; năm học 2017-2018, “kỷ lục” này mới bị phá vỡ khi lần đầu tiên có một nữ giáo viên người dân tộc Mông, nhà ở bản Huồi Xái 2, được nhận về dạy hợp đồng.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nơi có nhiều giáo viên không được nhận trợ cấp. Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nơi có nhiều giáo viên không được nhận trợ cấp.

Vượt qua mọi gian khó, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã âm thầm gieo chữ; niềm vui nhận lại là nhiều thế hệ học sinh của trường đã trưởng thành. Ghi nhận cống hiến của tập thể cán bộ, giáo viên, năm 2017, Trường Tri Lễ 4 đã được nhận Cờ Thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng trong năm 2017, tập thể 47 thầy, cô giáo nhà trường đã dành giải “Nhân vật của năm” do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn.

Khi trao đổi với các thầy giáo, chúng tôi nhận được mong mỏi thiết tha nhất là, được chính quyền địa phương, ngành Giáo dục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để không còn cảnh “nhiều không” đeo bám. Còn về chính sách đãi ngộ, hầu hết các giáo viên như cố nén tiếng thở dài.

Khó khăn, cách trở của Trường Tri Lễ 4 là thực tế hiện hữu, nhưng giáo viên nơi đây vẫn chỉ được hưởng chế độ đãi ngộ chung như các giáo viên đang công tác ở những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK khác. Chẳng nói đâu xa, như các trường ở trung tâm xã Tri Lễ, điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với ngôi trường này, nhưng thuộc địa bàn ĐBKK nên giáo viên ở hai điểm này đều được hưởng các chế độ ưu đãi như nhau. Nhưng nhờ lòng yêu trẻ, yêu nghề là những động lực lớn giúp các thầy vượt lên gian khổ, chinh phục mọi trở ngại, khó khăn.

Trợ cấp theo… hộ khẩu!

Sau nhiều thế hệ, hiện Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 47 giáo viên, gồm 24 thầy và một cô giáo người Mông, 15 thầy người Thái và 7 thầy người Kinh. Trong đó có nhiều giáo viên đã công tác ở trường từ 20-25 năm.

Điều này cũng đồng nghĩa, nhiều thầy giáo của Trường đã không còn được thụ hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ thì: “Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK và không quá 5 năm”.

Đáng chú ý, trong 47 giáo viên của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có một số giáo viên là người địa phương, sinh ra và lớn lên trên cổng trời Mường Lống. Đó là thầy Thò Bá Sinh, thầy Lý Chư Sò, thầy Xồng Bá Lỳ, thầy Xồng Bá Thành, thầy Hờ Bá Rùa... Việc có hộ khẩu tại địa bàn nơi có Trường đã phần nào tác động đến chế độ đãi ngộ mà các thầy được thụ hưởng.

Cụ thể, Tri Lễ là xã ĐBKK; chiếu theo Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP quy định một số chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK thì giáo viên có hộ khẩu tại Tri Lễ không được hưởng phụ cấp thu hút hàng tháng.

Ngay cả trợ cấp lần đầu cũng vậy. Theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì, giáo viên đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK sẽ được phụ cấp 10 tháng lương. Nhưng Nghị định 116/2010/NĐ-CP cũng quy định, chế độ trợ cấp lần đầu chỉ áp dụng cho các đối tượng ở nơi khác chuyển đến công tác, không áp dụng cho đối tượng có hộ khẩu thường trú tại địa bàn.

Chính vì xét theo hộ khẩu nên đã tạo ra sự chênh lệch nhất định trong chế độ phụ cấp thu hút giữa nhà giáo luân chuyển từ nơi khác đến với nhà giáo sinh sống và công tác tại địa bàn ĐBKK. Là quy định chung, được áp dụng từ nhiều năm nay nên không chỉ riêng giáo viên ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 mà rất nhiều trường hợp phải chịu “ấm ức” vì những thiệt thòi không đáng có này.

Việc triển khai chi trả chế độ ưu đãi, phụ cấp thu hút đã phần nào giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống cho đội ngũ thầy, cô giáo công tác ở địa bàn ĐBKK. Tuy nhiên, cùng với nhiều vướng mắc khác, thì quy định thực hiện trợ cấp theo hộ khẩu đang dẫn đến những thiệt thòi nhất định cho đội ngũ giáo viên tại chỗ.

Thực tế, giáo viên ở nơi khác đến hay giáo viên có hộ khẩu ở địa bàn ĐBKK cũng đều phải vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là chưa kể, với những giáo viên ở nơi khác đến, ngoài phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút còn được hỗ trợ tiền tàu xe, phụ cấp tiền mua nước sinh hoạt,…

Đây cũng chính là nguyên nhân của một nghịch lý khác trong chi trả phụ cấp cho giáo viên đang công tác ở địa bàn ĐBKK. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.